Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
725 lượt xem

10 cụm từ bố mẹ đừng bao giờ nói với con, dễ làm hỏng tương lai trẻ

Đôi khi những điều rất nhỏ trong cuộc sống, ví dụ như một lời nói cũng có thể gây tác động đến trẻ mà không phải bố mẹ nào cũng nhận ra sai lầm.

Bố mẹ nào cũng yêu thương và mong muốn mang đến cho con mình những điều tốt đẹp nhất, đó là điều chẳng có gì nghi ngờ. Chúng ta cố gắng làm mọi việc nhưng đôi khi những điều rất nhỏ trong cuộc sống, ví dụ như một lời nói thôi cũng có thể gây tác động đến trẻ. Thậm chí, đây là những câu nói thoạt nghe thấy rất bình thường và có vô số những ông bố, bà mẹ vẫn nói với con mình mỗi ngày mà không nhận ra tác hại của nó.

Dưới đây là những câu nói tốt hơn, bạn không nên nói với con mình:

1. “Con có thể trở thành bất cứ ai mà con muốn”

Ủng hộ con phát triển bản thân, sở thích và đạt được những mục tiêu trong cuộc sống là tốt nhưng đôi khi nhận thức, đam mê của trẻ nhỏ không phù hợp với thực tế và điều đó có thể gây ra những tác động tiêu cực.

Điều quan trọng mà bố mẹ nên làm không phải là để mặc con muốn trở thành người như thế nào cũng được mà cần chỉ cho con thấy, con phải có kế hoạch trong cuộc sống của mình, bao gồm cả việc dự phòng nếu như ý định ban đầu không thành công. Bởi lẽ không phải mọi đứa trẻ đều sẽ trở thành bác sĩ, giáo viên, phi hành gia hay ngôi sao bóng đá, ca nhạc… Dù cho đôi khi chúng ta cố gắng làm việc chăm chỉ như thế nào cũng không thể đạt được mục tiêu đó, đấy là sự thật và chúng ta phải học cách chấp nhận.

Nhiệm vụ của cha mẹ là dạy trẻ nhìn vào thực tại và đặt ra những mục tiêu phù hợp với bản thân mình. Đồng thời, bố mẹ cũng dạy cho con cách đối diện với những thất vọng trong cuộc sống để con không tuyệt vọng mà tìm cho mình một hướng phát triển khác.

2. “Con giống y như bố/mẹ con vậy”

Không có gì xấu khi so sánh trẻ em giống với một người thân nào đó trong nhà theo hướng tích cực. Nhưng sẽ thật tệ hại khi bạn dùng phương pháp so sánh này để nói về một điều tiêu cực. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn không chỉ đang phê bình con mình mà còn hạ thấp, chỉ trích hành vi của bố/mẹ – người đang được lấy ra để so sánh. Nó sẽ làm cho trẻ bối rối và thiếu sự tôn trọng cũng như tin tưởng vào bố/mẹ vì bản thân người lớn cũng không đúng.

3. “Con của bố/mẹ là nhất, không ai có thể bằng con được”

Vẫn biết với mọi ông bố, bà mẹ, con cái luôn là thứ quý giá nhất, nhưng ngay cả khi bạn nói những cụm từ này chỉ vì đơn giản là yêu con thì việc lý tưởng hóa một đứa trẻ có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đến tính cách và suy nghĩ của trẻ. Nó sẽ dẫn đến một đứa trẻ luôn bị đặt vào vị trí kỳ vọng cao nhất, sợ thất bại, sợ mình không đáp ứng được tình yêu và hy vọng của bố mẹ.

4. “Con không được đánh anh/em”

Không phải chỉ trẻ con, đôi khi ngay cả người lớn chúng ta cũng không kiểm soát được cảm xúc của mình. Việc chúng ta cảm thấy bực bội, khó chịu, cáu gắt với một người nào đó quanh mình là điều hết sức bình thường. Trong gia đình, trẻ con rất hay “đấu đá”, tranh giành mọi thứ với nhau, điều chúng ta cần dạy cho con chính là việc kiểm soát tốt phản ứng của mình trước người khác.

Nhiều bố mẹ hay yêu cầu con “Con không được đánh em” mà không biết rằng trẻ sẽ cảm thấy bị tổn thương. Nếu bạn chỉ nói như vậy, không giải thích đủ lý do, trẻ sẽ không hiểu vì sao mình lại bị nhắc nhở như thế và em luôn được bảo vệ. Đứa trẻ sẽ chưa đủ nhận thức để hiểu nếu bạn chỉ đưa ra mệnh lệnh như vậy.

Bố mẹ nên cố gắng truyền đạt cho con việc nên kiểm soát cảm xúc, vì sao không nên đánh em… bởi nó gây tổn hại hoặc thậm chí nguy hiểm về cảm xúc. Ngoài ra hãy dạy con “trút giận” bằng việc vẽ, chơi đồ chơi… thay vì chỉ cấm đoán con bằng lời nói.

5. “Con không nên buồn vì những điều vô nghĩa”

Đừng đánh giá thấp cảm xúc và vấn đề của con bạn. Có thể với bạn, chuyện đó chẳng có gì đáng buồn, ví dụ như việc mất một món đồ chơi ưa thích chẳng hạn, nhưng với con bạn thì hoàn toàn khác. Khi nói ra những lời này, bạn đang coi thường cảm giác của con, điều đó khiến lòng tin của con ở bạn bị giảm sút vì chúng không tìm thấy sự đồng điệu. Nó sẽ dẫn đến việc con sẽ không còn tìm đến bạn để tâm sự, xin lời khuyên hoặc sự giúp đỡ khi con thực sự gặp vấn đề nghiêm trọng.

6. “Hãy để bố/mẹ giúp con”

Để trẻ phát huy khả năng của con, cha mẹ cần tập cho trẻ cách tự đối phó với các vấn đề và sẽ chỉ giúp đỡ khi con thực sự nhờ cậy tới bạn. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ lại đi trước nhu cầu của con. Ngay cả khi con vẫn đang tiếp tục tự xoay sở thì bạn đã vội vàng đề nghị giúp con.

Ví dụ như khi con làm bài tập về nhà, đứa trẻ có thể mất thời gian hơn một chút nhưng hãy để con tự tư duy thay vì việc thấy con khó khăn là vào làm hộ. Nếu bố mẹ cứ giúp con theo cách này, khi trưởng thành, con sẽ dễ nản chí và chỉ muốn cầu cứu sự hỗ trợ khi vừa mới bắt đầu.

7. “Đừng động vào nó, con sẽ làm hỏng nó mất”

Nếu bạn cứ lặp đi lặp lại cụm từ này, con bạn sẽ cảm thấy bị bóc buộc và khó chịu vô cùng. Rõ ràng, khi bạn nói những lời này là bạn tự quy định chuyện con mình chắc chắn sẽ làm hỏng, làm vỡ mọi thứ dù thực tế không hẳn sẽ như vậy. Điều này đồng nghĩa với việc ngay từ đầu bạn đã “nhồi” vào đầu con mình một kết quả thật tồi tệ mà con có thể sẽ tạo ra. Sau này khi con lớn, trẻ sẽ nhút nhát và thiếu tự tin vào bản thân. Trẻ sẽ luôn sợ mình làm hỏng mọi chuyện.

8. “Con thật thông minh”

Có thể nhiều cha mẹ nghĩ rằng đây là một cách khen ngợi, khích lệ, động viên một đứa trẻ và nên làm thế. Tuy nhiên, nếu tinh ý bạn sẽ nhận ra rằng, cách khen ngợi này khiến con bạn nghĩ rằng nó sẽ chắc chắn có được kết quả như vậy vì đấy là sự hiển nhiên, vì nó thông minh chứ không phải vì sự kiên trì, nỗ lực mà có được thành công.

Tốt hơn hết, hãy khen ngợi sự nỗ lực của trẻ thay vì khen con thông minh sẵn có. Ví dụ khi con đạt điểm tốt, hãy đưa ra lời khen: “Bố mẹ tin rằng con đã rất cố gắng để có được kết quả tốt như vậy. Chúc mừng con”.

9. “Mẹ không khóc, mọi thứ đều ổn”

Cố gắng bảo vệ con mình khỏi những lo lắng, một số cha mẹ “đeo mặt nạ” hạnh phúc và giả vờ rằng mọi thứ đều ổn trong khi bạn thân ngập tràn những cảm xúc tiêu cực. Tuy nhiên, trẻ em rất tinh tế trong việc cảm nhận được cảm xúc thật và điều đó khiến trẻ hoang mang cực độ.

Nếu bạn kìm nén cảm xúc tiêu cực và cố vờ như mình ổn, điều đó chẳng những làm xấu đi sức khỏe của bạn mà cả mối quan hệ với con cũng ảnh hưởng. Bạn không cần phải nói với con về mọi thứ đã xảy ra nhưng điều quan trọng là cho trẻ thấy chúng ta không việc gì phải xấu hổ với cảm xúc của chính mình.

10. “Con không được nói chuyện với người lạ”

“Người lạ” là một khái niệm khá khó để phân định đối với trẻ nhỏ. Khi được nhắc nhở như vậy, con sẽ có xu hướng tránh xa tất cả những người xung quanh, bao gồm cả những người đang cố gắng giúp đỡ con (ví dụ như lính cứu hỏa, cảnh sát…).

Thay vì cấm con bạn nói chuyện với bất cứ người lạ nào, tốt hơn hãy giải thích cho con cách ứng xử trong tình huống nhất định. Ví dụ một người đàn ông lạ mặt đưa kẹo cho con, bảo con lên xe, thì tuyệt đối phải từ chối. Còn những người như cảnh sát, bác sĩ, lính cứu hỏa muốn giúp đỡ con trong một trường hợp nào đó thì con hãy hợp tác cùng họ.

Bài viết cùng chủ đề: