Nông dân ở một số địa phương của huyện miền núi Bạch Thông hiện đang trở thành những hộ có thu nhập cao nhất tỉnh Bắc Kạn. Những triệu phú nông dân ngày càng xuất hiện nhiều nhờ biết tận dụng lợi thế phát triển vùng trồng cam, quýt đặc sản theo hướng hữu cơ.
Những triệu phú nông dân vùng cao nhờ cam quýt
Gia đình ông Bùi Xuân Thu ở thôn Bản Chàn, xã Dương Phong (huyện Bạch Thông) có 4ha cây cam, quýt (2ha cam, 2ha quýt) đã đến tuổi thu hoạch. Từ khoảng nửa tháng nay, gia đình đang tập trung thu hoạch quýt bán cho tư thương. Năm nay, cây quýt cho quả sai, dự ước gia đình có thể thu về khoảng 25 tấn quả, trừ chi phí, lợi nhuận không dưới 300 triệu đồng. Hiện nay, cam đang vào chính vụ thu hoạch, nhưng ông Thu chưa vội bán hết mà neo quả để dành bán vào dịp giáp Tết Nguyên đán.
Ông Thu cho biết, thôn Bản Chàn có 37 hộ thì tất cả đều trồng cam, quýt, nhà ít mỗi vụ thu vài tấn, nhà nhiều vài chục tấn. Với giá bán ổn định như năm nay, có nhiều hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng. Trong thôn nhiều gia đình mua được ô tô, xây được nhà khang trang nhờ trồng cam, quýt.
Huyện Bạch Thông là vùng chuyên canh cam sành, quýt bản địa lớn nhất tỉnh Bắc Kạn. Cây cam, quýt chủ yếu trồng ở các xã Quang Thuận, Dương Phong, Đôn Phong. Đây là cây trồng chủ lực của huyện Bạch Thông nói riêng và Bắc Kạn nói chung với diện tích trên 1.600ha, sản lượng bình quân hàng năm khoảng 16 nghìn tấn.
Năm nay, giá bán quýt chia thành nhiều loại, quả to đẹp giá 10.000 đồng/kg, loại nhỏ hơn giá 7.000 đồng/kg, thấp nhất giá 3.000 đồng/kg. Theo nhiều nhà vườn ở huyện Bạch Thông, năm nay tình hình dịch Covid – 19 đã được kiểm soát nên tư thương đến mua nhiều hơn những năm trước.
Ông Nông Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Quang Thuận (Bạch Thông) thông tin, mỗi năm, tổng thu từ sản xuất nông, lâm nghiệp của xã đạt khoảng 80 tỷ đồng, trong đó chủ yếu từ cây cam, quýt. Hiện xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thu nhập bình quân đầu người thuộc tốp các xã cao nhất của tỉnh. Nhờ cây cam, quýt nhiều hộ thu vài trăm triệu đồng/năm. Cây cam quýt đã trở thành cây làm giàu chủ lực của người dân trong xã.
Nâng tầm cam quýt đặc sản theo hướng hữu cơ
Những năm gần đây, Bạch Thông được biết đến là vùng chuyên canh cây ăn quả đa dạng, bốn mùa cho trái ngọt, thơm ngon. Trong đó đặc trưng và nổi tiếng nhất là cam sành, quýt bản địa tập trung ở các xã Quang Thuận, Dương Phong, Đôn Phong. Đây là những cây trồng chủ lực, làm nên thương hiệu, uy tín, niềm tự hào của người dân Bạch Thông với diện tích trên 1.600ha, sản lượng bình quân hàng năm khoảng 16.000 tấn, là cây xóa đói giảm nghèo cho người dân nơi đây. Qua đó đã tạo sức bật mới cho phát triển kinh tế – xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới của Bạch Thông.
Để hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm, những năm qua, huyện Bạch Thông nói riêng, tỉnh Bắc Kạn nói chung đã tăng cường quảng bá, kết nối các nông hộ với doanh nghiệp. Cuối tháng 11/2022, huyện Bạch Thông đã tổ chức sự kiện Ngày hội cam, quýt và các sản phẩm OCOP của huyện. Đây là Ngày hội cam, quýt lần đầu tiên được tổ chức, đã góp phần quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp, ẩm thực của huyện Bạch Thông, đặc biệt là sản phẩm cam, quýt. Đây cũng là dịp khuyến khích, thúc đẩy người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia thực hiện chương trình OCOP, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Mới đây nhất, tại Tuần lễ giới thiệu các sản phẩm nông sản tỉnh Bắc Kạn tại Thành phố Hải Phòng, sản phẩm cam, quýt cũng đã được giới thiệu đến đông đảo người tiêu dùng. Đây là bước đột phá trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ cam, quýt của huyện Bạch Thông nói riêng và tỉnh Bắc Kạn nói chung vì trước đây, sản phẩm nông sản này chủ yếu chỉ tiêu thụ ở một số tỉnh miền núi lân cận.
Không chỉ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hiện nay, chính quyền địa phương đang tích cực hỗ trợ các nông hộ, nhà vườn mở rộng diện tích trồng cam, quýt đạt chuẩn VietGAP, phấn đấu đến năm 2025, huyện Bạch Thông thâm canh, cải tạo 300ha quýt theo hướng hữu cơ. Huyện Bạch Thông cũng đặt ra mục tiêu trồng mới 500ha cây cam sành và xây dựng 03 mô hình trồng cây cam sành không hạt để phục việc nhân rộng, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao.
Cây cam, quýt đã trở thành cây trồng chủ lực, cây làm giàu cho nông dân ở huyện miền núi Bạc Thông. Nhờ phát huy những lợi thế địa phương những vùng cam quýt được nâng cao chất lượng chinh phục thị trường cả nước. Từ cây cam quýt đã tạo ra những triệu phú nông dân vùng cao, một số xã của huyện Bạch Thông đứng trong tốp có thu nhập bình quân cao nhất tỉnh Bắc Kạn
- Nhà ở xây sẵn chung móng, chung tường: "Mua rồi khó bán, lại đối mặt nhiều rắc rối"
- Ôm nợ hơn 1 tỷ đồng, anh nông dân Nghệ An liều nuôi gà ngủ máy lạnh, nghe nhạc để đẻ trứng, thu 10 triệu đồng mỗi ngày
- 4 kiểu đồ giúp phụ nữ nâng tầm khí chất: Diện ra đường là được khen nức nở
- Bỏ việc ở phố về quê: Dành thời gian bầu bạn cùng cha mẹ là quyết định "đúng đắn" nhất cuộc đời!
- Không gian nhỏ, có không gian rộng rãi, những khoảng vườn trồng rau, và leo lên mái nhà ngắm sao.