Việc không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn sẽ bị xử phạt như mức cao nhất của vi phạm nồng độ cồn, tiền phạt lên đến 40 triệu đồng và tước GPLX đến 24 tháng.
Vào hôm qua, ngày 12/2/2023, tài xế V.Đ.N. (SN 1995, trú tại tỉnh Phú Thọ) điều khiển ô tô mang biển kiểm soát 30H-484.xx đã không chấp hành việc kiểm tra nồng độ cồn khi được Cảnh sát 141 yêu cầu. Người này còn dùng điện thoại quay lại video và phát trực tiếp lên mạng xã hội, kêu gọi người khác đến chốt tại nút giao Lê Trọng Tấn – KĐT Park City (quận Hà Đông, Hà Nội) để giúp sức.
Sự việc kéo dài từ 20h35 đến 23h30, và đến 0h ngày 13/2, tổ công tác đã lập biên bản xử lý với lái xe N. Ngoài việc không chấp hành đo nồng độ cồn, lái xe N. còn không xuất trình được giấy phép lái xe để cảnh sát giao thông kiểm tra.
Không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn sẽ bị phạt như thế nào?
Căn cứ theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, lỗi không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ sẽ bị xử phạt cụ thể như sau:
– Đối với ô tô và các loại xe tương tự ô tô: Phạt tiền từ 30.000.000 – 40.000.000 đồng (Điểm b, Khoản 10, Điều 5). Ngoài ra, người vi phạm sẽ bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 – 18 tháng (Điểm h, Khoản 11, Điều 5).
– Đối với xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện): Phạt tiền từ 6.000.000 – 8.000.000 đồng (Điểm g, Khoản 8, Điều 6). Đồng thời, người vi phạm sẽ bị tước Giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng (Điểm g, Khoản 10, Điều 6).
Mức quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn mới nhất 2023
Căn cứ theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức xử phạt đối với người điều khiển phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở như sau:
– Đối với xe ô tô:
Phạt tiền từ 6.000.000 – 8.000.000 đồng (Điểm c, Khoản 6, Điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Tước quyền sử dụng GPLX từ 10 – 12 tháng (Điểm e, Khoản 11, Điều 5).
– Đối với xe máy:
Phạt tiền từ 2.000.000 – 3.000.000 đồng (Điểm c, Khoản 6, Điều 6).
Tước quyền sử dụng GPLX từ 10 – 12 tháng (Điểm đ, Khoản 10, Điều 6).
Mức phạt đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở:
– Đối với ô tô:
Phạt tiền từ 16.000.000 – 18.000.000 đồng (Điểm c, Khoản 8, Điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Tước quyền sử dụng GPLX từ 16 – 18 tháng (Điểm g, Khoản 11, Điều 5).
– Đối với xe máy:
Phạt tiền từ 4.000.000 – 5.000.000 đồng (Điểm c, Khoản 7, Điều 6).
Tước quyền sử dụng GPLX từ 16 – 18 tháng (Điểm e, Khoản 10, Điều 6).
Mức phạt đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở:
– Đối với ô tô:
Phạt tiền từ 30.000.000 – 40.000.000 đồng (Điểm a, Khoản 10, Điều 5).
Tước quyền sử dụng GPLX từ 22 – 24 tháng (Điểm h, Khoản 11, Điều 5).
– Đối với xe máy:
Phạt tiền từ 6.000.000 – 8.000.000 đồng (Điểm e, Khoản 8, Điều 6).
Tước quyền sử dụng GPLX từ 22 – 24 tháng (Điểm g, Khoản 10, Điều 6).
Như vậy, việc không chấp hành yêu cầu đo nồng độ cồn sẽ bị xử phạt như mức cao nhất của vi phạm nồng độ cồn. Ở trường hợp trên của lái xe V.Đ.N., lực lượng tổ công tác đã lập biên bản xử lý vi phạm với lỗi không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn, phạt 35 triệu đồng, tước GPLX 23 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày. Ngoài ra, lái xe N. còn không xuất trình được bằng lái xe ô tô nên đã bị phạt thêm 11 triệu đồng.
- Lương 15 triệu/tháng, chồng muốn xây nhà cho bố mẹ ở quê
- Hà Giang: Nuôi con đặc sản một thời nhiều nhà bán tống bán tháo, một nông dân khá giả mà chăm lại nhàn
- Sự thật đằng sau bộ ảnh cưới của hai chàng trai: Cô dâu x;ăm tr;ổ đầy mình e thẹn bên chú rể đẹp trai
- Xe siêu sang Rolls-Royce chỉ được đổ xăng 300 ngàn, tài xế vừa lái vừa toát mồ hôi
- 8 cách người thành công biến “bại thành thắng” trên con đường sự nghiệp