Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
86 lượt xem

Đừng tìm người đàn ông khiến bạn trưởng thành, hãy tìm người đàn ông cho phép bạn sống như một đứa trẻ

Gần nhà tôi có hai nhà hàng xóm. Hai gia đình này giống nhau ở chỗ họ đều sống chung ba thế hệ trong một căn nhà. Nhưng, hai gia đình này khác nhau ở chỗ: Nhà bác H luôn xuất hiện cùng nhau với niềm vui vẻ, cởi mở, hòa thuận. Nhà bác N không mấy khi cùng nhau đi ra ngoài.

Thường thì tôi sẽ bắt gặp bác N đi chợ vào buổi sớm, rồi một lúc bất chợt nào đó sẽ thấy chồng bác ấy đạp xe đạp qua để đi thể dục. Buổi tối, tôi hay gặp cô con dâu gia đình đó dắt con ra công viên gần nhà để cho ăn.

Cô ấy nói, dù không muốn cho con ăn kiểu phản khoa học này đâu, nhưng so với việc cho con ăn ở nhà và nghe mẹ chồng cằn nhằn suốt cả bữa cơm thì chẳng thà ra ngoài ăn còn hơn. Còn anh chồng cô gái đó, thỉnh thoảng tôi có bắt gặp anh ta ngồi ở quán trà đá vỉa hè phì phèo điếu thuốc lá, đôi lúc cũng thấy vợ chồng bọn họ đèo nhau đi qua cửa nhà tôi.
Một lần nọ, đang quét sân, thấy bác N đi chợ về qua, tay xách nách mang cả đống đồ rất nặng, tôi mới hỏi:

– Bác có cần cháu xách giúp không? Để cháu xách giúp cho.

Bác ấy ngay lập tức chối đây đẩy rồi nói:

– Gớm, thôi khỏi. Bọn trẻ chúng mày sức dài vai rộng mà sức khỏe không bằng một bà già. Như con C nhà tao, thỉnh thoảng mới được một buổi đi chợ mà lần nào đi chợ về cũng phải gọi thằng chồng nó ra xách giúp. Tưởng nhiều nhặn gì, có chục cân gạo mà cũng không xách nổi về còn phải nhờ chồng. Xong gì nữa, lại còn bày đặt mua xe đẩy để đi chợ. Dăm ba cân mà không xách được thì làm ăn gì? Chỉ có tót cái mà nhảy đi chơi thì nhanh lắm, chỉ được cái õng ẹo là giỏi.

Nói xong bác ấy đi thẳng, tôi đứng đó ngẩn ngơ không biết phải nói gì.

Hẳn là vừa có chuyện gì đó khiến bác ấy ấm ức nên mới có thái độ lạ lùng như vậy. Câu chuyện đó tôi cũng mau chóng quên đi cho tới một ngày nọ, tôi lại gặp bác ấy đang đứng ở cửa nhà tôi nói chuyện với mẹ tôi. Câu chuyện vẫn xoay quanh chủ đề cô con dâu.

Nghe đâu, con dâu bác ấy đòi chồng mua tặng một chiếc túi nhân dịp sinh nhật, rồi lại đòi chồng nghỉ làm một hôm để đi du lịch cùng nhóm bạn của cô ấy. Việc này khiến bác ấy cảm thấy rất bất mãn. Lần đó, tôi đang vội đi công việc nên không nán lại lâu để nghe thêm câu chuyện bác ấy kể, nhưng tôi đã nghĩ, thôi thì bác ấy cũng đã già, cuộc sống từng trải qua rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, cảm thấy xót tiền, xót của, xót công sức của con cũng là điều dễ thông cảm. Nhưng hóa ra, suy nghĩ đó của tôi không hoàn toàn đúng.

Một lần khác, tôi lại bắt gặp bác ấy đang kể chuyện con dâu ở cửa nhà một hàng xóm khác khi đang trông Ri và Boi chơi gần đó. Vốn định tránh mặt bác ấy cho khỏi phiền hà nhưng rốt cuộc, vừa nhìn thấy tôi, bác ấy đã kéo luôn tôi vào cuộc tọa đàm hè phố. Cũng không có gì quá to tát cả, chỉ là con dâu bác ấy hay đi làm về muộn, có hôm mãi 11 giờ đêm mới về đến nhà. Hay để quần áo trong máy giặt đến sáng hôm sau mới phơi mà bác ấy thì không bao giờ có chuyện như thế, làm cái gì cũng phải dứt điểm luôn, không để dây dưa tới sáng hôm sau.

Rồi cả chuyện con dâu bắt chồng đi mua băng vệ sinh. Quần lót áo con gì mà toàn bé tí ti như cái dây co. Chỉ nghe đến đó thôi, tôi vội vã chào hai bác lỉnh mất vì câu chuyện bác ấy kể về con dâu mà cứ như nói về tôi vậy. Tôi cũng có quãng thời gian từng phải trực đêm đến khuya mới về tới nhà. Mệt mỏi rã rời, toàn thân đau nhức, mười hai giờ đêm mới bắt đầu ăn cơm, tắm giặt nên quần áo thay ra cứ tống vào máy giặt rồi đi ngủ, đến sáng hôm sau mới tranh thủ dậy phơi. Nếu mẹ chồng tôi cũng như bác ấy thì có lẽ tôi đã không thể thở nổi trong căn nhà đó.

Một buổi tối nọ khi tôi đưa Ri và Boi ra công viên chạy nhảy, tôi lại gặp cô con dâu gia đình đó. Hôm đó tâm trạng của cô ấy có vẻ rất tệ. Ngồi trông hai đứa trẻ chơi đùa, tôi lại gần bắt chuyện với cô ấy.

– Hôm nay em không cho con ra đây ăn à?

Cô ấy không nói gì chỉ lắc đầu. Tôi lại hỏi.

– Em có chuyện gì buồn à?

Chỉ có vậy, cô ấy bỗng bật khóc, tiếng khóc nức nở, nghẹn ngào như thể nó được dồn nén quá lâu vậy, nhưng rồi cô ấy lại cố kìm nó lại. Tôi vỗ vai cô ấy, chờ cho cô ấy ổn định tinh thần mới hỏi tiếp…

– Sao vậy? Là chuyện gia đình đúng không?

Cô ấy gạt nước mắt rồi bắt đầu nói lên nỗi lòng mình:

– Em chịu hết nổi rồi chị ạ. Mẹ chồng em quá quắt lắm, bà ấy đố kị với em từng li từng tí, soi mói em đủ điều, đi nói xấu em khắp nơi, đến độ giờ đi ra đường ai nhìn thấy em họ cũng khinh ra mặt. Em không biết phải làm sao cho vừa lòng bà ấy nữa. Em muốn dọn ra ngoài ở riêng nhưng chồng em không đồng ý vì lý do bố mẹ đã già. Em nản quá chị ạ. Ngày nào em cũng phải nghe bà ấy làu bàu đủ thứ chuyện vặt vãnh từ việc cho con ăn đến việc phơi quần áo, dọn dẹp, chuyện cọ nhà vệ sinh… toàn những chuyện không có gì đáng để nói. Nhưng chỉ từ những chuyện ấy, bà ấy kết luận em là đứa không ra gì, đạo đức giả, ra ngoài thì đẹp đẽ, về nhà thì bê bối. Em không hiểu mình bê bối ở đâu? Dù hôm nào em cũng phải làm việc đến khuya mới về đến nhà, nhưng thay vì hỏi thăm em, bà ấy chỉ luôn tỏ ra khó chịu vì tiếng em mở cổng lạch lạch làm bà ấy mất ngủ. Lúc đầu em đã cố bỏ ngoài tai nhưng sức chịu đựng của con người có hạn, em chịu sao được mãi.

Nỗi ấm ức của cô ấy quả không ngoài dự đoán của tôi. Chính là chuyện gia đình. Tôi bảo:

– Thực ra, mẹ chồng nàng dâu là mối quan hệ muôn đời tồn tại mâu thuẫn. Không chỉ mẹ chồng – nàng dâu, mà bố vợ – con rể… thậm chí mẹ đẻ – con đẻ cũng vẫn tồn tại những mâu thuẫn như thế. Mâu thuẫn nảy sinh từ sự khác nhau về quan điểm sống, lối sống. Em và mẹ chồng em cũng như vậy. Em yêu và lấy con trai bác ấy, chứ đâu có yêu bác ấy đâu, bác ấy vốn cũng chẳng yêu em. Tự nhiên hai người xa lạ lại bắt về sống cùng nhau dưới một mái nhà, cùng yêu một người đàn ông, không xảy ra mâu thuẫn mới lạ. Thôi thì, em cứ nghĩ là, bác ấy đã già rồi, cũng chẳng biết còn sống được bao nhiêu năm nữa, còn mắng chửi được con cháu đã là may mắn, còn hơn là nằm liệt một chỗ. Còn việc ra ở riêng, chị nghĩ em hoàn toàn có thể quyết định được vì đó là cuộc đời của em, em có quyền được sống cuộc đời mà em lựa chọn. Cứ cân nhắc cho kỹ.

Ngoài việc động viên cô ấy vài câu, tôi cũng chẳng biết phải làm gì giúp cô ấy nữa, vì người có thể kéo cô ấy thoát ra khỏi tình cảnh này, chỉ có thể là chính cô ấy mà thôi. Không biết lần đó cô ấy hiểu được bao nhiêu phần trong câu nói của tôi, cũng không biết cô ấy rốt cuộc đã quyết định thế nào. Nhưng tôi là người không hay để chuyện của người khác quá lâu trong lòng, cũng chẳng có hứng mang nó đi buôn gió gặt bão với ai.

Tuy nhiên, chuyện về gia đình này đột ngột lại khiến tôi lưu tâm khi trong một lần, bác trai xuất hiện ở nhà tôi, cùng ăn cơm với gia đình tôi. Thì ra, bác ấy cùng sinh hoạt trong tổ hưu trí với bố tôi, họ chơi với nhau khá thân.

Thông qua những câu chuyện bác kể, tôi nhận ra, bác là người đàn ông rất nhàn rỗi. Tuổi xế chiều ung dung, thư thái với những thú vui tao nhã. Sáng sáng, chiều chiều đạp xe quanh hồ ngắm cảnh, hít thở, tập thể dục.

Thời gian khác trong ngày, bác tụ tập chơi cờ cùng bạn bè trong xóm, đánh bài, chơi game online, thỉnh thoảng lại cùng bạn bè đi nhậu, uống vài cốc bia, chăm sóc cây cảnh. Tôi hoàn toàn không thấy bác ấy nhắc gì đến vợ con hay cháu nội, cháu ngoại.

Lúc mọi người toan ra về, tôi bảo bác ấy:

– Lúc nào bác mua cho bác gái cái xe đẩy để đi chợ cho đỡ nặng. Thỉnh thoảng cháu thấy bác ấy đi chợ qua đây phải xách nhiều đồ lắm, nặng trĩu cả vai.

Bác ấy cười xòa, gạt đi.

– Ôi dào, kệ bà ấy, bà ấy thích khổ thì tự mà chịu. Ai bắt phải khổ đâu. Đàn bà đúng là những niềm đau.

Sau câu nói ấy, tôi bắt đầu ngờ ngợ ra nguồn cơn bi kịch của gia đình này.
Một lần khác, khi bác N đang xách đồ đi chợ về qua nhà tôi. Tôi thấy từ đằng xa, bác trai cũng đang đạp xe về. Nhưng thật kỳ lạ, bác trai cứ thản nhiên đạp xe ngang qua vợ mà chẳng hề có ý định dừng lại giúp đỡ. Lúc đó, tôi chợt thấy thương cảm cho người phụ nữ đó biết bao.

Một người phụ nữ không được yêu thương, luôn bị chồng đối xử lạnh nhạt đã thành thói quen, cô đơn đã thành thói quen bỗng một ngày nọ sẽ cảm thấy chướng tai gai mắt trước những niềm hạnh phúc dù là nhỏ nhoi của những người phụ nữ khác. Họ phản đối nhưng thực ra lại chính là khát khao. Họ ra vẻ không cần nhưng thực ra trong lòng lại rất đố kị.

Đó là lý do giải thích tại sao khi nhìn thấy con dâu nhận được chăm sóc chiều chuộng của con trai, bác ấy lại cảm thấy khó chịu đến thế. Bản thân bất hạnh, không muốn phải chứng kiến những niềm hạnh phúc xung quanh mình. Bản thân luôn phải tự gồng mình nỗ lực, tự nhiên cảm thấy chán ghét những cô gái mong manh, yếu đuối.

Rồi một ngày nào đó, bác gái ấy có thể sẽ nhận ra (hoặc không) rằng chẳng biết từ bao giờ, mình lại biến thành một người đàn bà nhỏ mọn và cay nghiệt như thế. Có rất nhiều người phụ nữ xung quanh ta đã từng ở vào hoàn cảnh như vậy.

Hôn nhân hoặc sẽ khiến họ hạnh phúc, trở nên dịu dàng hơn, hào phóng hơn hoặc sẽ biến họ trở thành một con người tồi tệ từ bao giờ không hay. Và rồi bi kịch đó cứ luân hồi từ đời mẹ sang đời con, từ đời con sang đời cháu. Bất hạnh của người mẹ sẽ là bất hạnh của cả gia đình, có khi là cả dòng tộc.

Tình yêu, sự quan tâm chăm sóc của người đàn ông vì thế có tác dụng vỗ về, khích lệ, nuôi dưỡng nhân tâm vô cùng lớn lao đối với người phụ nữ bên cạnh mình. Tình yêu ấy sẽ là nguồn cơn, là xuất phát điểm cho nối tiếp những niềm hạnh phúc về sau của con cái họ. Nó cũng có tác dụng xoa dịu những tổn thương, điều hòa những mâu thuẫn, xóa mờ đi những khoảng cách.

Tạm gác lại câu chuyện của gia đình này, tôi lại muốn kể cho bạn câu chuyện về gia đình bác H. Hầu hết buổi sáng nào tôi cũng thấy bác trai và bác gái đi bộ với nhau. Khi nào bác gái đi chợ, y như rằng tôi sẽ thấy bác trai đạp xe đạp ra chở đồ về. Có lần, tôi còn bắt gặp họ đèo nhau trên phố bằng chiếc xe cup đã cũ. Nhìn họ rất hạnh phúc. Tuần đôi ba lần, tôi sẽ gặp bác gái cùng cô con dâu mặc bộ đồ tập cùng nhau đi ra công viên, họ cười nói rất vui vẻ, gần đó, anh con trai đang trông hai đứa trẻ con đạp xe để vợ và mẹ còn bận tập thể dục.

Bác trai của gia đình này cũng tham gia tổ hưu trí với bố tôi nhưng lại rất ít khi có mặt trong những buổi hội họp ăn uống. Một lần nọ, bác ấy tới nhà tôi xem bóng đá, hôm đó, tôi nhớ không nhầm thì tuyển Việt Nam đang đá trận bán kết Vòng chung kết U23 Châu Á. Nhưng đang xem được nửa hiệp hai, trận đấu đang rất hấp dẫn, bác ấy nhận được điện thoại của bác gái bèn vội vã đứng dậy xin phép ra về cho kịp giờ đón cháu ở trường.

Khỏi phải nói, hội bạn bèn ồ lên cho rằng bác ấy sợ vợ. Đang xem đá bóng mà vợ gọi cái đã phải về ngay thì thật là mất hứng. Nhưng bác ấy chỉ cười, xuề xòa trêu lại “đội vợ lên đầu là trường sinh bất lão” rồi xỏ dép chạy đi. Nhìn vẻ hớt hải của bác ấy mà tôi cảm thấy thật thú vị và đáng yêu biết bao.

Một ngày nọ, gia đình bác ấy về quê. Từ xa xa, tôi thấy bác trai đang đỡ lấy túi đồ đạc từ tay bác gái, dáng vẻ rất ân cần. Cạnh đó, con trai và con dâu họ vừa hôn nhau một cái rất tình tứ, hai đứa trẻ con chạy lăng xăng chơi trò đuổi bắt. Họ lên xe, chiếc ô tô đi khuất hẳn, tôi vẫn thấy đâu đây còn đọng lại cảm giác rất ấm áp.

Sự ấm áp toát ra từ thứ tình cảm gia đình thực sự, hạnh phúc thực sự. Mẹ có người đàn ông của mẹ chăm sóc, con có người đàn ông của con yêu thương. Hai người bọn họ chẳng ai phải đố kị với ai, cứ thế sống với nhau thật thoải mái. Chẳng yêu cầu gì về nhau cuối cùng lại hòa hợp. Khắt khe đánh giá nhau cuối cùng lại bung bét.

Tôi cũng có dịp được trò chuyện cùng bác gái trong một lần hai vợ chồng bác ấy qua nhà tôi chúc Tết. Bác gái có gương mặt phúc hậu, dù tuổi đã cao nhưng làn da vẫn trắng hồng, đôi mắt sáng và tinh anh, nụ cười hiền và giọng nói nhẹ nhàng.

Suốt buổi trò chuyện, tôi cảm thấy hạnh phúc lây trước những cử chỉ và lời nói mà hai bác dành cho nhau. Họ liên tục trêu đùa nhau, khen ngợi đối phương. Lúc ra về, bác gái để quên khăn quàng cổ trên ghế nhưng bác trai đã nhanh tay cầm giúp, còn không quên quay lại bảo với tôi:

– Bác này bác ấy hay quên lắm nên đi đâu bác cũng phải đi theo, không cẩn thận là quên cả đường về.

Bác gái làm bộ mặt giận hờn đáp lại.

– Em không quên anh là được.

Bác trai bật cười hào sảng. Niềm hạnh phúc của mỗi người chắc chỉ cần có thế, có một người ở bên cạnh bầu bạn, yêu thương, chăm sóc… cùng nhau trải qua bao thăng trầm, cùng nhau tận hưởng cuộc sống, cùng nhau già đi.

Tôi từng nghe MC Trấn Thành nói trong một chương trình truyền hình rằng: “Mỗi chúng ta đều có hai gia đình. Một gia đình bao gồm bố mẹ và con cái. Một gia đình chỉ là thế giới riêng của hai vợ chồng”. Ngẫm ra thì thấy anh ấy nói đúng, bố mẹ rồi cũng sẽ xa ta, con cái rồi cũng sẽ trưởng thành, sẽ tìm được người bạn đời của chúng, sẽ sống cuộc đời mà chúng mong muốn. Chỉ có vợ chồng là sẽ gắn bó với nhau cả đời. Bởi vậy, hãy trân trọng người bạn đời của bạn.

Gieo nhân là tình yêu, quả ắt sẽ ngọt ngào. Người phụ nữ được yêu thương, sẽ chẳng bao giờ có tâm lý đố kị với những người phụ nữ khác.

Bởi họ đã có thế giới của riêng mình, đã có người đàn ông của riêng mình, chẳng phải đi tranh chấp với ai cả. Những người phụ nữ được yêu thương cũng dễ có những cái nhìn thương cảm hơn, đồng điệu hơn đối với những niềm hạnh phúc hay những nỗi bất hạnh của những người phụ nữ xung quanh họ. Trong mắt họ tràn ngập tình yêu bởi trái tim họ vốn vẫn luôn được sưởi ấm và vỗ về.

Nói như vậy không có nghĩa tôi đổ mọi tội lỗi lên đầu cánh đàn ông. Thực ra, hạnh phúc vẫn nằm trong tay người phụ nữ. Muốn tìm được người đàn ông như ý nguyện, hãy tự biến mình thành một bông hoa thơm tài sắc vẹn toàn.

Lựa chọn người bạn đời không bao giờ là việc nên làm cho có, để thấy mình cũng giống người khác, mà hãy thật kỹ lưỡng và thận trọng. Đừng để những năm tháng sống bên cạnh người đàn ông vô tâm biến mình thành người đàn bà cay nghiệt, hẹp hòi, lòng đầy đố kị.

Hãy ở bên người đàn ông mà mỗi ngày ta lại thấy bản thân tốt đẹp hơn, dịu dàng hơn và được sống là một bản thể tuyệt vời nhất của chính mình.

Bài viết cùng chủ đề: