Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
944 lượt xem

Chi hơn 18.700 tỉ đồng mở rộng tuyến đường nối 4 địa phương ở Hà Nội

Quốc lộ 21 đoạn qua 4 huyện, thị xã ở Hà Nội dài khoảng 25km sắp được chi hơn 18.700 tỉ đồng nâng cấp, mở rộng.

Chi hơn 18.700 tỉ đồng mở rộng tuyến đường nối 4 địa phương ở Hà Nội


Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa có báo cáo UBND TP Hà Nội việc triển khai lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi một số dự án giao thông, trong đó dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 21 đoạn Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai.

Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, dự án có điểm đầu khớp nối với dự án đầu tư phố Tùng Thiện tại vị trí đầu cầu Quan (thị xã Sơn Tây); điểm cuối tại Km25+745 vuốt nối về Quốc lộ 21 hiện trạng (thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ).

Tổng chiều dài dự án là 25,75km (bao gồm cả nút giao với Quốc lộ 6) đi qua địa phận thị xã Sơn Tây, các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ thuộc TP Hà Nội và huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Tuyến chính theo cấp đường trục chính đô thị với vận tốc thiết kế 80km/h; đường song hành (đường gom) theo cấp đường chính khu vực, vận tốc thiết kế 60km/h.

Các hạng mục đầu tư chủ yếu gồm giải phóng mặt bằng toàn tuyến theo chỉ giới đường đỏ đã được phê duyệt tại Quyết định số 2727/QĐ-UBND ngày 11.5.2017: Đoạn từ cầu Quan đến ranh giới hành chính Hà Nội – Hòa Bình rộng 80m; đoạn qua tỉnh Hòa Bình và thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) rộng 70m.

Phân kỳ đầu tư phần xe chạy chính lõi giữa rộng 10m mỗi bên, đường gom và vỉa hè hai bên được xây dựng hoàn chỉnh; xây dựng hoàn chỉnh nút giao liên thông cuối tuyến với Quốc lộ 6.

Công trình thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia, tổng mức đầu tư (dự kiến) là 18.722 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 11.946 tỉ đồng, xây lắp 6.776 tỉ đồng.

Địa điểm thực hiện dự án các huyện, thị xã: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, Sơn Tây.

Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, dự án đi qua địa bàn 2 địa phương là TP Hà Nội và tỉnh Hòa Bình, do đó gặp khó khăn trong việc xác định phạm vi, ranh giới giữa hai địa phương, việc xác định nguồn vốn và phương thức đầu tư dự án phần nằm trên địa giới hành chính tỉnh Hòa Bình.

Sở Giao thông Vận tải đề nghị UBND TP Hà Nội làm việc với UBND tỉnh Hòa Bình để thống nhất phương án đầu tư, nguồn vốn đoạn tuyến qua địa phận huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Bài viết cùng chủ đề: