Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
112 lượt xem

Anh nông dân Cà Mau nuôi cá lóc dày đặc, cho ăn thứ gì mà cá nhảy rào rào, nhiều người kéo tới xem?

Nhìn thấy ông ngoại nuôi cá lóc, anh Nguyễn Văn Quýt quyết định chọn mở rộng diện tích nuôi như nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Hơn 5 năm gắn bó với những mùng cá lóc nuôi, anh Quýt, đoàn viên thanh niên ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau), khẳng định chính sự chịu khó, quyết tâm học hỏi là yếu tố quan trọng để thành công khi lập thân, lập nghiệp.

Duy trì mô hình nuôi cá lóc đã hơn 5 năm nay mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình anh Quýt.

Hiện tại, anh Quýt có được 8 mùng nuôi cá lóc với diện tích trên 240m2 và vừa mua thêm 10.000 con cá lóc giống từ huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang về thả nuôi.

Được biết, khi cá lóc giống được thả 2 đến 3 tháng thì anh bắt đầu phân cỡ, những con có cùng kích cỡ được nuôi chung một mùng, còn cá nhỏ hơn thì anh để riêng tiếp tục nuôi thúc, cho đạt đầu con.

Khoảng 6 tháng, khi cá lóc đạt trọng lượng từ 300gram có thể xuất bán. Đặc biệt, với diện tích và số mùng nuôi hiện tại, anh Quýt nuôi xoay vòng nên được thương lái quen đặt trước, chủ động được nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu của người mua.

Hiện nay, cá lóc nuôi có giá bán khoảng 55.000 đồng/kg. Trung bình mỗi đợt, anh Quýt nuôi thả khoảng 10.000 con cá lóc giống và đến khi thi hoạch có lời khoảng 30 triệu đồng.

Anh Quýt cho biết: “Tôi bén duyên với mô hình nuôi cá lóc từ khi thấy ông ngoại của tôi nuôi một ao từ nhiều năm trước. Lúc đó, ông tôi chỉ nuôi 1 ao nhỏ, khi tới tôi nuôi thì mới phát triển lên và nuôi cá lóc trong mùng. Ngoài ra, khi nhìn thấy diện tích mặt nước trên tuyến kênh cùng trước nhà để trống, gia đình lại có 3 ghe đánh bắt nên có sẵn nguồn cá phân để làm thức ăn nuôi cá lóc nên từ đó tôi quyết tâm đeo đuổi mô hình sinh lợi này…”.

Nhờ kinh nghiệm nuôi cá lóc tích lũy qua nhiều vụ nuôi nên cá đạt đầu con và trọng lượng.

Theo anh Quýt, cái khó của việc nuôi cá lóc trên kênh chính là nguồn nước lưu thông mình không kiểm soát được. Do đó, phải thường xuyên quan sát nếu có tình trạng ô nhiễm nước, khi đó phải dời cá, xử lý ngay bằng vôi và thuốc xử lý đáy thì mới đạt đầu con…

Nói về mô hình hiện tại của con trai mình đã duy trì, bà Quách Thị Bông, mẹ anh Quýt cho biết: “Gia đình tôi hết sức ủng hộ. Những hôm con trai đi biển thì hai vợ chồng tôi đảm nhận việc thu gom nguồn cá phân, để đảm bảo thức ăn cho cá nuôi.

Từ việc nuôi cá lóc bằng nguồn cá phân sẵn có nên thịt cá ngọt nên thương lái cũng ưa chuộng hơn. Trước đây cá phân bán có vài trăm đồng một ký thì nay mình tận dụng hết để cho cá ăn”, bà Bông cho hay.

Tham quan mô hình nuôi cá lóc của thanh niên Nguyễn Văn Quýt, anh Trần Văn Thuận, Phó Bí thư xã đoàn Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời cho biết: “Đây là một trong những mô hình hiệu quả tại địa bàn. Thời gian qua, anh Quýt không chỉ tận dụng được diện tích mặt nước trước nhà để triển khai thực hiện mô hình mà còn thu mua nguồn cá tạp từ ghe đánh bắt làm thức ăn cho cá lóc.”

Anh Quýt tận dụng nguồn cá phân, cá tạp từ ghe đánh bắt của gia đình để làm thức ăn cho cá lóc nuôi.

Một năm từ ghe biển, áo cá, sau khi trừ hết chi phí anh Quýt có thu nhập được hơn 150 triệu đồng. Ngoài 8 mùng cá lóc, anh Quýt còn nuôi thêm ếch, cá lóc bông, cá tai tượng, vừa bán có thêm thu nhập vừa thỏa đam mê nuôi cá của bản thân.

Anh Quýt cho biết thêm: “Sắp tới, tôi sẽ dời mùng cá vào hầm cá đã được cải tạo để chủ động hơn trong việc điều tiết nguồn nước, đảm bảo số lượng đầu con. Theo tôi, mô hình nào cũng có thể đem lại thành công cho bản thân nếu mình biết đầu tư và chịu khó theo dõi, chăm sóc, thêm vào đó là quan tâm đến thị trường thì mới đảm bảo được đầu ra, duy trì hiệu quả mô hình”.

Tuy mô hình nuôi cá lóc trong mùng lưới là nghề tay trái nhưng lại mang đến nguồn thu nhập ổn định qua nhiều năm cho anh Quýt. Qua đó, có thể thấy được anh là một điển hình tiêu biểu cho gương thanh niên lập thân, lập nghiệp, dám nghĩ dám làm và tìm ra những mô hình phù hợp với điều kiện của gia đình, những lợi thế của địa phương.

Bài viết cùng chủ đề: