Đưa cánh tay phải cụt đến cổ tay, băng trắng toát, Dũng hỏi “mất tay rồi, con còn đi học được nữa không bố?”. Nghe con hỏi, anh Nghĩa chết lặng…
Gần một tháng nay, bệnh nhân và người nhà cùng buồng bệnh Khoa Chi trên, Bệnh viện chấn thương chỉnh hình Nghệ An quen thuộc với hình ảnh người đàn ông trẻ tuổi một mình chăm cậu con trai bị thương nặng. Nhoài người trên giường bệnh, anh Nguyễn Thế Nghĩa (34 tuổi, xóm Khánh Thịnh, xã Thịnh Thành, Yên Thành, Nghệ An) lặng lẽ lau người cho cậu con trai Nguyễn Thế Dũng.
Sau vụ nổ, anh Nguyễn Thế Dũng bị thương nặng cả hai tay (Ảnh: Hoàng Lam).
20 tuổi, anh Nghĩa kết hôn với người phụ nữ cùng quê hơn 7 tuổi khi cả hai đi làm công nhân ở miền Nam. Năm 2009, vợ chồng anh Nghĩa đón đứa con đầu lòng là cháu Nguyễn Thế Dũng. Sau đó, hai vợ chồng anh Nghĩa quyết định về quê sinh sống. Đến năm 2017, cậu con trai út Nguyễn Thế Khang chào đời.
“Khi bé Khang được 2 tuổi thì cô ấy đi xuất khẩu lao động. Cũng có nhiều vấn đề nên mấy năm nay, vợ chồng tôi không còn liên lạc với nhau nữa”, anh Nghĩa kể.
Bàn tay phải của Dũng phải cắt cụt đến cổ tay (Ảnh: Hoàng Lam).
Từ khi vợ đi, anh Nghĩa một mình nuôi hai con nhỏ với sự hỗ trợ, giúp đỡ của ông bà nội. Anh Nghĩa làm thuê đủ nghề để có thể nuôi con nhưng công việc tự do, thu nhập cũng phập phù. Tháng 7 vừa qua, anh Nghĩa gửi con lại nhờ bố mẹ chăm sóc, ra Bắc Ninh làm công nhân cho một công ty chuyên sản xuất linh kiện điện tử.
Khoản tiền lương tháng đầu tiên gần 6 triệu đồng, anh Nghĩa tính trừ chi phí ăn ở, gửi một khoản về cho bố mẹ sắm sửa sách vở, quần áo cho cháu.
“Tiền chưa kịp gửi, ở quê gọi điện ra bảo về gấp, Dũng đi viện. Tôi không kịp xin nghỉ việc, tức tốc chạy ra bắt xe. Về đến nơi, thấy con nằm trên giường bệnh, tay không còn…”, người bố nghẹn ngào.
Ước mơ trở thành nhà thiết kế trò chơi điện tử của Dũng dường như đã chấm dứt sau tiếng nổ ám ảnh ấy (Ảnh: Hoàng Lam).
Sáng ngày 1/8, Dũng đi chăn bò giúp ông bà. Thấy vật thể lạ, bóng loáng, cậu bé tò mò nhặt lên chơi. Một tiếng nổ xé tai vang lên, Dũng thấy trước mắt mình là một màu đỏ. Cậu bé ngất lịm. Những người đi làm đồng nghe tiếng nổ, chạy đến, thấy hai bàn tay của Dũng biến dạng…
Dũng được đưa đến bệnh viện trong tình trạng hai bàn tay bị tổn thương nghiêm trọng. Các bác sĩ buộc phải cắt bỏ bàn tay phải của Dũng đến cổ tay. Bàn tay trái bị tổn thương tổ chức da, cơ và xương phần ngón trỏ, ngón cái và mu bàn tay.
Cơ hội phục hồi bàn tay trái đang để ngỏ bởi em phải tiếp tục trải qua phẫu thuật mới có thể đánh giá được cụ thể (Ảnh: Hoàng Lam).
Tỉnh dậy sau cuộc phẫu thuật, đôi mắt Dũng đờ đẫn nhìn bàn tay phải chỉ còn là một bọc trắng xóa. “Tay không còn, con còn đi học được nữa không bố?”, cậu bé có niềm đam mê đặc biệt với lập trình game hỏi, giọng như lạc đi.
Nghe con hỏi, lòng anh Nghĩa chùng xuống, vội kiếm cớ đi ra ngoài.
Công việc mới làm được một tháng thì con gặp nạn, anh Nghĩa phải xin nghỉ hẳn. Chi phí điều trị của Dũng được bảo hiểm chi trả một phần nhưng một số thuốc, vật tư y tế ngoài danh mục bảo hiểm gia đình phải tự lo. Mà chi tiêu của gia đình trước nay đều do anh Nghĩa cáng đáng, không có khoản tích lũy nào đáng kể, thành thử cứ phải vay chỗ này, đập chỗ kia để lo cho con.
Nhiều năm nay, anh Nghĩa một mình nuôi 2 con, bởi vậy vụ tai nạn xảy ra với Dũng là một cú sốc lớn của người bố trẻ này (Ảnh: Hoàng Lam).
Nhắc đến vợ, anh Nghĩa thở dài rồi im lặng. Có lẽ, anh không muốn làm tổn thương con, vụ nổ đã khiến Dũng đau đớn thể xác, tổn thương tâm lý lắm rồi. Nhiều đêm đang ngủ, Dũng giật thót người, ú ớ hét lên, trán vã mồ hôi.
“Từ hồi cháu Dũng nằm đây, chả thấy mẹ gọi điện hỏi han gì, cũng chả thấy đến thăm”, bệnh nhân nằm kế giường Dũng chép miệng.
Anh Nghĩa đã nghĩ đến chuyện lắp cho con một bàn tay giả để có thể cầm nắm được, nhưng đó là câu chuyện của tương lai bởi chi phí dự báo là vượt quá khả năng của gia đình (Ảnh: Hoàng Lam).
“Tay phải của cháu bị cắt cụt cả bàn, tay trái bị tổn thương nặng, các bác sĩ bảo phải tiếp tục phẫu thuật mới có thể đánh giá được khả năng phục hồi, cầm nắm. Nhiều khi cháu hỏi không có tay thì làm sao, tôi đành động viên con, bảo đợi bố kiếm tiền, sau này sẽ lắp cho con cái tay giả”, anh Nghĩa buồn bã.
Dự tính là như thế nhưng anh Nghĩa hiểu rằng, việc lắp cho con một bàn tay giả để có thể cầm nắm bây giờ là quá sức đối với anh…
Ông Nguyễn Đình Phong – Chủ tịch UBND xã Thịnh Thành – cho biết: “Hiện bố con anh Nguyễn Thế Nghĩa đang sống cùng ông Nguyễn Thế Thuận, bà Nguyễn Thị Bích. Ông Thuận, bà Bích đã quá tuổi lao động, trong khi đó anh Nghĩa không có công việc ổn định, lại nuôi 2 cháu nhỏ nên hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là sau biến cố xảy ra với cháu Nguyễn Thế Dũng”.