Gà nòi đá giá bán được giá cao, nhưng để đào tạo được một con gà nòi đá chiến phải mất nhiều năm, tốn nhiều thời gian và công sức.

Anh Thái Bửu Bấu ở thôn An Dõng, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định đã nghiên cứu, tìm học cách nuôi gà nòi bài bản, đầu tư công phu mô hình nuôi gà nòi và đã thành công. Mỗi năm gia đình anh Bấu có lợi nhuận 1 tỷ đồng từ bán gà nòi.

Lãi ròng 1 tỷ đồng/năm nhờ nuôi gà nòi thương phẩm và gà nòi đá

Tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh với tấm bằng kỹ sư chuyên ngành xây dựng dân dụng công nghiệp, song anh Thái Bửu Bấu đã quyết định về quê nuôi gà nòi, phát triển kinh tế, làm giàu.

Năm 2019, anh thực hiện ước mơ của mình bằng vốn đầu tư của cha mẹ anh. Trên diện tích 6 sào đất vườn, anh xây dựng các dãy chuồng trại và tập trung vào phát triển mô hình nuôi gà nòi tại gia đình mình.

Anh cho biết, lúc đầu nuôi gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc vì còn hạn chế về kiến thức kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng trị bệnh “nan y” thường gặp đối với gà nòi. Anh đã học hỏi những người đã nuôi gà nòi lâu năm, cùng với những kiến thức tích luỹ trong quá trình nuôi, anh đã nảy ra có nhiều sáng kiến hay trong việc nuôi gà nòi.

Ban đầu, anh Bấu mua 30 con mái và 30 con trống gà nòi giống. Khi gà sinh sẻ đẻ trứng anh mua máy ấp trứng về tự cho ấp, dần dần anh gầy đàn, tăng số lượng đàn. Sau gần 4 năm, đến nay đàn gà nòi của anh đã có hơn 1.000 con, trong đó 500 con gà trống, 100 con gà mái và lúc nào trong đàn cũng có 100 con gà nòi con “gối đầu”.

Anh Bấu cho biết: “Mỗi tháng tôi xuất bán hơn 100 kg gà nòi thịt, giá bán 150.000 đồng/kg, cao hơn giá gà nòi ở chợ 30.000đ/kg. Gà nòi lấy thịt, bạn hàng ở địa phương tuần nào cũng tới mua 5-6 con về chế biến đặc sản.

Riêng gà nòi để đi thi đấu (còn gọi là gà nòi đá hay gà chiến) thì tôi bán online trên mạng xã hội theo đơn hàng. Giá bán một con gà nòi để đi thi đấu thấp nhất 1 triệu đồng/ con, nhưng cũng có thể từ chục triệu đồng đến 50 triệu đồng/con đối với gà đẹp và khả năng thi đấu tốt”.

Ban đầu, anh Thái Bửu Bấu nuôi gà nòi để lọc những con gà tốt để đá. Sau đó do có nhiều người ở địa phương khác thấy gà nòi đá hay mà anh quảng bá trên mạng xã hội nên họ gọi điện đặt hàng rất nhiều. Khi quảng bá online, anh Thái Bửu Bấu kèm đoạn video tự quay ở trại nuôi gà nòi của gia đình để khách hàng xem gà và nghe anh thuyết minh về đặc điểm của từng con gà chiến.

Theo anh Thái Bửu Bấu, gà nòi đá giá bán được giá cao, nhưng để đào tạo được một con gà nòi đá chiến phải mất nhiều năm, tốn nhiều thời gian và công sức từ chọn lọc đến huấn luyện. Tuy vậy, anh vẫn cố gắng gầy giống để bán.

“Từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau, Tây Nguyên, ở đâu khách hàng cũng biết tiếng trại nuôi gà nòi của gia đình tôi. Ngày nào trong tuần cũng có khách hàng đặt mua gà nòi chiến Nhờ đó, gia đình tôi có doanh thu tốt, bình quân 1 tỷ đồng tiền lãi ròng/năm” – anh Thái Bửu Bấu cho biết.

Bí quyết nuôi gà nòi với 2 sáng kiến

Anh Thái Bửu Bấu cho thêm: “Tôi cũng đã thành trong việc sáng kiến kỹ thuật để nuôi gà nòi. Đặc sắc nhất có 2 sáng kiến. Đó là công thức chế biến thức ăn cho đàn gà nòi của gia đình theo “bí quyết” mà tôi tự nghiên cứu làm ra. Thức ăn bí quyết đó bao gồm: thịt bò, trứng, rắn, lươn, cóc, tắc kè, thủy hải sản, kết hợp thuốc Bắc. Các nguyên liệu này đem xay nhuyễn, viên nén rồi đem sấy khô.

Thứ hai là tôi làm ra bài thuốc Nam đông y (rễ cây, lá cây thuốc) kết hợp dùng thuốc “nhân y” để phòng và điều trị bệnh cho đàn gà nòi. Theo đó, khẩu phần ăn “bí quyết” tôi áp dụng vào đàn gà đang nuôi và đem lại hiệu quả rất cao mà tiết kiệm được chi phí so với chi nuôi dưỡng bằng thức ăn truyền thống như lúa, gạo, ngũ cốc, giun, dế hoặc dung thức ăn hỗn hợp công nghiệp như những chủ nuôi gà nòi khác.

Gà nòi nuôi với mục đích là để thi đấu. Qua kinh nghiệm nuôi gà nòi của anh Thái Bửu Bấu, khi gà nòi bị bệnh thì người nuôi không thể dùng thuốc thú y thông thường để điều trị được.

“Dùng thuốc thú y, tuy gà bớt bệnh nhưng nó không thi đấu được nữa. Hiện tượng đó, trong giới nuôi gà nòi gọi là hiện tượng gà nòi mất “gân”, gà rất yếu, thi đấu không được. Để có con gà nòi dáng vóc đẹp, thi đấu tốt, điều đầu tiên là mình phải làm tốt khâu phòng bệnh.

Theo kinh nghiệm của anh Thái Bửu Bấu, gà nòi chỉ có 2 bệnh “nan y”. Đó là bệnh đường hô hấp và bệnh đường tiêu hóa. Hai bệnh này của gà nòi, điều trị theo thuốc Nam (Đông y) và thuốc cho người (nhân y) thì gà nòi bớt hẳn bệnh và đặc biệt là gà nòi không mất “gân” – anh Thái Bửu Bấu quả quyết.

Sắp tới, anh Thái Bửu Bấu sẽ mở rộng khu trại nuôi, nhân đàn gà nòi của gia đình, kết hợp xây nhà máy chế biến thức ăn dinh dưỡng đặc biệt chuyên cho gà nòi. Dự kiến giá bán khoảng 250.000 đồng/ kg loại thức ăn này để cung cấp cho thị trường,

Cùng với nuôi gà nòi thành công, anh Thái Bửu Bấu còn phấn khởi cho hay, đàn chim công của anh nuôi từ năm 2020 đã đẻ thành công 2 lứa, lứa đầu được 9 trứng, lứa sau 10 trứng. Trứng chim công anh Bấu đem ấp bằng máy. Vừa rồi, anh đã xuất bán 3 con chim công giống, mỗi con 10 triệu đồng cho khách hàng ở tỉnh Bình Dương. Anh Bấu đang nhân giống, tăng đàn cả chim công giống lẫn công bố mẹ, từ đó cung cấp cho các khu du lịch, khu sinh thái trong và ngoài tỉnh Bình Định

Xây dựng nhãn hiệu tập thể “Gà nòi đất Võ Tây Sơn”

“Gà nòi đất Võ Tây Sơn” là một trong những dòng gà lâu đời tại Việt Nam. Đất Tây Sơn (Bình Định) từng nổi tiếng về gà nòi và thú vui chọi gà, nhắc đến đây nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến những giai thoại gắn với bài Hùng kê quyền tương truyền do Nguyễn Lữ – người em út trong ba anh em Tây Sơn sáng tạo.

Ông Bùi Văn Mỹ – Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho biết: Giai thoại xưa về gà nòi Tây Sơn là một lợi thế hiếm có. Do đó việc xây dựng nhãn hiệu tập thể “Gà nòi đất Võ Tây Sơn” mà huyện Tây Sơn đang nỗ lực gầy dựng lại là theo đúng truyền thống, nét văn hóa đồng thời vừa phát triển kinh tế gắn với du lịch vừa nghiên cứu bảo tồn nguồn gen gà nòi quý hiếm.

UBND huyện Tây Sơn đang thực hiện các bước xây dựng và chỉ đạo các địa phương quan tâm, khôi phục lại như nghề truyền thống bài bản, giữ nét văn hóa với thú chơi tao nhã, đề cao tinh thần thượng võ. Trước mắt, UBND huyện Tây Sơn đã ban hành logo thương hiệu, quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Gà nòi đất Võ Tây Sơn “.

Theo các bậc cao niên ở địa phương, trò chơi chọi gà có từ lâu và gắn liền với đời sống văn hóa của người dân Tây Sơn vì quan niệm chủ gà chọi nào giành cờ chiến thắng khi tham gia xới chọi sẽ mang lại may mắn cho gia chủ. Ngày nay dù không được hưng thịnh như xa xưa nhưng vào dịp lễ, tết, người dân ở các xã vẫn tự tổ chức nhiều xới chọi gà.

Chính vì thế khi nghe tin UBND tỉnh Bình Định vừa cho phép UBND huyện Tây Sơn sử dụng địa danh Tây Sơn trong đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Gà nòi đất Võ Tây Sơn”, anh Thái Bửu Bấu phấn khởi: “Gà nòi đất Võ Tây Sơn” vốn đã nổi tiếng nếu mình tổ chức được nội dung chọi gà trong các lễ hội chắc chắn sẽ thu hút được nhiều người hâm mộ trong và ngoài tỉnh đến vui chơi; giá trị kinh tế của gà nòi Tây Sơn khi có chứng chỉ xuất xứ, nguồn gốc sẽ cao hơn nhiều.