Cây cầu chính là biểu tượng cho tình cảm hữu nghị bền chặt giữa Việt Nam và Liên Xô.

Cầu Thăng Long  bắc qua sông Hồng tại vị trí km6+300 trên quốc lộ Nam Thăng Long, con đường nối sân bay quốc tế Nội Bài với trung tâm Hà Nội. Cầu Thăng Long có phần cầu chính (vượt sông) gồm 15 nhịp dầm thép, khẩu độ mỗi nhịp 112m. Móng trụ cầu chính đều dùng giếng chính. Phần cầu dẫn ở hai bên bờ đều dùng dầm bê tông dự ứng lực. Các trụ dẫn cầu đều dùng móng cọc ống phi 55cm.

Cầu Thăng Long được xây dựng trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, chiến tranh diễn ra ác liệt. Ảnh: Đại Đoàn Kết

Cầu Thăng Long được xây dựng trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, chiến tranh diễn ra ác liệt. Ảnh: Đại Đoàn Kết

Giữa bối cảnh cuộc chiến chống Mỹ diễn ra vô cùng cam go, năm 1974, Đảng và Nhà nước ta quyết định khởi công xây dựng cầu Thăng Long – cây cầu thứ hai bắc qua sông Hồng tại Hà Nội, cách cầu Long Biên 11km. Các chuyên gia từ Trung Quốc đã đến khảo sát và giúp Việt Nam xây dựng những trụ cầu đầu tiên. Năm 1978, các chuyên gia Trung Quốc rút về nước khi mới xây xong 9/14 trụ cầu.

Trước nguy cơ dự án bị đình trệ, năm 1978, Liên Xô đã viện trợ không hoàn lại để xây dựng cầu Thăng Long. Kể từ đây, các đoàn chuyên gia Liên Xô  bắt đầu có mặt tại công trường và tiếp tục công tác xây dựng. Họ đã thay đổi một số thiết kế cũ theo hướng hiện đại hơn. Sau 11 năm thi công đầy khó khăn, tháng 5/1985, cầu Thăng Long chính thức khánh thành. Đây được xem là một trong những biểu tượng của tình hữu nghị Việt – Xô.

Cầu Thăng Long là cây cầu 2 tầng duy nhất tại Hà Nội cho tới thời điểm hiện tại. Ảnh: Đại Đoàn Kết

Cầu Thăng Long là cây cầu 2 tầng duy nhất tại Hà Nội cho tới thời điểm hiện tại. Ảnh: Đại Đoàn Kết

Để thi công được cây cầu, lực lượng kỹ sư, công nhân lúc đầu có 1.600 người, sau tăng lên 8.300 người. Liên Xô đã giúp Việt Nam đào tạo thợ lặn sâu 50m, công nhân phun sơn, hàn tự động, kiểm tra hàn,…

Tại thời điểm hoàn thành, cầu Thăng Long có 2 tầng. Tầng dưới, ở giữa là hai tuyến đường sắt (thiết kế theo khổ ray 1.435mm), hai bên là đường xe thô sơ 3,5m (có thể chạy ô tô 10 tấn).Tầng trên là đường ô tô rộng 15m, cho bốn làn xe chạy; hai bên là đường cho người đi bộ rộng 1,5m.Chiều dài toàn cầu tính theo đường sắt (tầng dưới) hơn 5,5km, tính theo đường ô tô (tầng trên) hơn 3,1km, theo đường xe thô sơ hơn 2,6km. Tổng chiều dài của toàn bộ cầu xấp xỉ 10,7km, dài nhất trong những cây cầu tại Việt Nam lúc đó.

Tầng dưới, ở giữa là hai tuyến đường sắt, hai bên là đường xe thô sơ, tầng trên là đường ô tô. Ảnh: Đại Đoàn Kết

Tầng dưới, ở giữa là hai tuyến đường sắt, hai bên là đường xe thô sơ, tầng trên là đường ô tô. Ảnh: Đại Đoàn Kết

Cầu Thăng Long không chỉ gây ấn tượng bởi chiều dài vượt trội mà còn bởi công nghệ xây dựng hiện đại bậc nhất Đông Nam Á vào thời điểm bấy giờ. Quá trình thi công cầu trải qua nhiều gian nan, thử thách, thậm chí từng khiến nhiều người nghi ngờ về khả năng hoàn thành dự án. Chính những yếu tố này đã góp phần tạo nên một công trình mang tính biểu tượng với nhiều kỷ lục, trong đó nổi bật nhất là thời gian thi công dài nhất, lên đến 11 năm.

Từ đó đến nay, trải qua gần 40 năm khai thác, vai trò, giá trị của cầu Thăng Long đối với việc phát triển kinh tế – xã hội của Hà Nội nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung càng thể hiện một cách rõ rệt. Cầu Thăng Long là cây cầu có nhiều nét đặc thù, tham gia vào tất cả các nhiệm vụ chính trị, kinh tế – xã hội. Cây cầu này không chỉ là cầu dành cho ô tô mà còn tích hợp cả cầu đường sắt, cầu hỗn hợp dành cho các loại xe thô sơ.

Sau 40 năm tồn tại, cầu Thăng Long vẫn là tuyến giao thông quan trọng kết nối vùng nội - ngoại đô. Ảnh: Đại Đoàn Kết

Sau 40 năm tồn tại, cầu Thăng Long vẫn là tuyến giao thông quan trọng kết nối vùng nội – ngoại đô. Ảnh: Đại Đoàn Kết

Theo Báo Giao Thông, hiện nay nếu xây dựng một cây cầu tương đương quy mô cầu Thăng Long, kinh phí sẽ không dưới 500 triệu USD. Một chuyên gia cho biết, chi phí thi công cầu Thăng Long được tối ưu vì công trình này không những được hỗ trợ hoàn toàn về công nghệ thi công mà còn được viện trợ vật liệu, chuyên gia. Giai đoạn ấy, đồng Rúp được coi trọng, tương đương USD, còn hiện tại, 88 rúp bằng 1USD.

Hiện tại, nhiều cây cầu mới khác được xây dựng vượt qua sông Hồng như Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nhưng cầu Thăng Long vẫn có một vẻ đẹp riêng và là chiếc cầu hữu nghị nối liền Thủ đô với sân bay Nội Bài, cửa ngõ quan trọng đưa khách quốc tế đến Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Cầu Thăng Long đã phải trải qua nhiều lần sửa chữa (4 lần hàn vá mặt cầu):
Năm 2009, cầu Thăng Long được sửa chữa lần đầu tiên.
Năm 2013, cầu Thăng Long được sửa chữa theo công nghệ Mỹ.
Năm 2016, Đại học Giao thông Vận tải thí điểm sửa chữa.
Lần kiểm tra vào tháng 7/2018, mặt cầu Thăng Long bị rạn nứt khoảng 8.700m2. Diện tích hằn lún dưới 2,5cm là 1.300m2; từ 2,5 – 7cm là 570m2. Vạch sơn mòn, sơn tim đường bị biến dạng, 4 trong 8 khe co giãn cầu bị hư hỏng.
Tháng 1/2021 cây cầu chính thức hoàn thành sau nhiều thời gian sửa chữa. Trong 6 tháng cuối, các nhà thầu đã hàn 1,4 triệu đinh neo, lắp đặt 800 tấn thép và đổ 2.000m3 bê tông siêu tính năng, quét keo dính bám và thảm bê tông nhựa với diện tích 27.200m2.