Hiện trong khuôn viên nhà bà Đỗ Thị Canh ở phường Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội còn trồng 4 cây hồng xiêm, trong đó có 1 cây hồng tổ hơn 100 năm tuổi.
Làng Xuân Đỉnh thuộc phường Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội nổi tiếng với giống hồng xiêm Xuân Đỉnh được người dân Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác ưa chuộng. Trong quá trình đô thị hoá khi “làng hồng xiêm” Xuân Đỉnh lên phố, phường Xuân Đỉnh càng phát triển, hình bóng của cây hồng xiêm ngày càng thưa thớt, hiếm hoi.
Cây hồng xiêm Xuân Đỉnh tổ hơn 100 tuổi
Trên hành trình tìm kiếm những gốc hồng xiêm cuối cùng còn sót lại của làng Xuân Đỉnh, phóng viên báo Dân Việt đến thăm nhà Đỗ Thị Canh tại Thôn Trung (phường Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nơi có cây hồng xiêm tổ trứ danh.
Cây hồng xiêm tổ Xuân Đỉnh nằm ẩn mình trong một con ngõ nhỏ. Ảnh: Nguyễn Tùng.
Bà Đỗ Thị Canh là con dâu cả của ông Đỗ Đình Nghị, cháu bốn đời của cụ Đỗ Đình Nhượng, người đã có công “sinh ra” giống hồng xiêm Xuân Đỉnh. Hơn 50 năm về làm dâu Xuân Đỉnh, những câu chuyện của ông Nghị và niềm tự hào của ông khi nhắc đến cây hồng xiêm luôn ghi dấu sâu đậm trong tâm trí bà.
“Cây này trông vậy thôi mà đã hơn 100 năm rồi. Hồng xiêm Xuân Đỉnh vốn có tên là “Sapoche”, nguồn gốc ở nước Xiêm, Thái Lan xưa. Sau này cụ Nhượng có dịp qua bên đó thì có xin ít hạt giống đem về trồng và dần được đổi tên thành hồng xiêm cho dễ gọi. Thấy quả ngọt, người dân xung quanh cũng xin được chiết cành về trồng. Dần dần quanh làng Xuân Đỉnh đâu đâu cũng thấy bóng dáng của giống hồng xiêm này và lan dần sang nhiều vùng khác”.
Nhìn cây hồng xiêm này, ít ai biết rằng nó đã có tuổi đời hơn 100 năm. Ảnh: Nguyễn Tùng.
Trông từ xa, cây hồng xiêm tổ Xuân Đỉnh với chiều cao khiêm tốn 15m rất dễ khiến nhiều người lầm tưởng với những gốc hồng xiêm bình thường có tuổi đời trên dưới chục năm. Theo bà Canh, không như những loại cổ thụ khác, hồng xiêm dù có lâu đời đến mấy cũng không phát triển quá lớn.
Mỗi năm cây đều cho quả ổn định vào hai vụ, vụ chiêm vào tháng 5 và vụ mùa tháng 10 âm lịch. Quả có dạng thon nhỏ, ăn vào thanh mát, ngọt nhẹ và không bị cát như giống hồng Đăm. Vì hái để bán cho người dân khu vực xung quanh là chính nên gia đình cũng bán không quá đắt, trung bình khoảng 40.000 – 60.000 đồng/cân.
Thời tiết khắc nghiệt, quả hồng xiêm cũng ra quả nhỏ và muộn hơn bình thường. Ảnh: Nguyễn Tùng.
Hiện trong khuôn viên nhà bà Canh còn trồng 4 cây hồng xiêm, bao gồm cây hồng tổ và 3 cây con nhưng vì khí hậu thay đổi, đất đai ngày càng cằn cỗi nên mỗi vụ ra quả cũng không nhiều. Tuy vậy, thay vì lựa chọn bán đất, xây nhà để kiếm thêm thu nhập như nhiều hộ dân xung quanh, gia đình bà lại quyết tâm giữ gìn gốc cây quý giá này.
“Cây này tuy vẫn cho quả nhưng so với ngày xưa thì ít hơn rất nhiều, tán lá lại bị sâu nên ảnh hưởng nhiều đến cây. Cây hồng xiêm tổ này không chỉ là niềm tự hào của gia đình mà còn là một chứng nhân lịch sử quan trọng của làng Xuân Đỉnh. Gia đình tôi nhất trí dù sau này có mở đất xây nhà cũng không đốn cây. Cây hồng xiêm vùng này giờ đã ít rồi, phải gìn giữ chút dấu ấn truyền thống cho con cháu”, bà Canh chia sẻ.
Bằng khen của “Hội những người làm vườn Việt Nam” dành tặng cho gia đình cụ Đỗ Đình Nghị. Ảnh: Nguyễn Tùng.
Tạm biệt bà Canh, phóng viên Dân Việt tìm đến nhà nghệ nhân chiết hồng xiêm Xuân Đỉnh, ông Phạm Kim Tần (90 tuổi). Dành hai phần ba cuộc đời với những gốc hồng xiêm Xuân Đỉnh, có thể nói không ai có kiến thức về giống cây này nhiều như ông.
Tuy cả đời gắn bó với nghề chiết cành, gia đình ông Tần không hề sở hữu một khoảng vườn rộng lớn mà chỉ có vỏn vẹn 4 gốc hồng xiêm trước sân nhà.
Những gốc hồng xiêm hơn 50 tuổi được trồng trong vườn nhà ông Tần. Ảnh: Nguyễn Tùng.
“Tôi chủ yếu ra vườn nhà người ta chiết chứ cũng không có đất để tự trồng. Mấy cây trước sân nhà trông vậy thôi nhưng đều do tôi chiết từ khi mới vào nghề, đến nay chắc cũng ngót nghét trên 50 tuổi. Trông nó khẳng khiu, mỏng manh vậy thôi nhưng cứng cáp cực kì. Quan điểm của tôi là không có gì tốt bằng sức đề kháng tự nhiên nên không chăm sóc gì nhiều, đến đúng thời điểm bón chút phân là được”.
Kỹ năng chiết cây của ông Tần càng thành thục, những thân hồng xiêm càng trở nên trưởng thành và mạnh mẽ. Giờ đây, những cành chiết mỏng manh năm nào sau khi trải qua bao mùa nắng mưa giông bão đã trở thành những gốc hồng xiêm cao tới 20m với cành lá sum suê che phủ cả khoảng trời trước sân nhà.
Những cây hồng xiêm này đã đồng hành với ông Tần trên hành trình trở thành nghệ nhân chiết hồng xiêm “số một” Xuân Đỉnh. Ảnh: Nguyễn Tùng.
Song cũng như gia đình bà Canh, thời gian gần đây những gốc hồng xiêm của ông Tần cũng chịu sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, môi trường.
“Bây giờ tuy đã là tháng 2 âm lịch mà trời vẫn nóng lạnh bất thường nên mấy cây hồng xiêm nhà tôi cũng chậm ra quả. Thời tiết khắc nghiệt, đất đai lại cằn cỗi nên chất lượng và số lượng mỗi vụ ngày càng giảm. Nhớ ngày xưa cứ đến mùa hồng chín thì quanh làng lại nức mùi thơm ngọt thoang thoảng, hiện tại thì đúng là hiếm thấy”.
Không như những gia đình khác trong vùng, những trái hồng xiêm Xuân Đỉnh nhà ông Tần vốn không có mục đích buôn bán kiếm lời mà để dành tặng người thân, họ hàng. Ngắm nhìn hình bóng của những gốc hồng xiêm đã gắn bó với bản thân hơn nửa đời người trở nên cằn cỗi, trơ trọi, ông Tần không khỏi suy nghĩ cho tương lai của giống quả nức tiếng Hà Thành một thời.
“Nói thật tôi nghĩ hồng xiêm Xuân Đỉnh cũng khó biến mất được vì giống cây này đã được mang đi trồng khắp nơi trên cả nước rồi. Ngay chính tôi trước đây cũng chính tay chiết cành, hướng dẫn chiết cành cho nhiều người ở tận Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh,… Song nói gì thì nói, những nơi khác người ta dù có trồng đúng kỹ thuật, áp dụng công nghệ cao, bón phân đầy đủ đến mấy cũng khó bì lại được loại hồng xiêm mọc trên đất Xuân Đỉnh, do chính tay người dân Xuân Đỉnh trồng”, ông Tần bồi hồi.
“Không sợ giống cây này không còn, chỉ sợ sau này loại hồng xiêm Xuân Đỉnh nằm trên bàn ăn của con cháu Xuân Đỉnh lại có xuất xứ từ địa phương khác”.