Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
117 lượt xem

Chàng trai trẻ Sài Gòn khởi nghiệp táo bạo: Mát-xa cây dừa nước để lấy mật

Gắn bó với cây dừa nước từ nhỏ, anh luôn trăn trở làm sao để chính cây dừa nước ở quê mang lại giá trị kinh tế cao cho gia đình và người dân.

Câu chuyện bắt đầu từ lời hứa với quê hương từ năm học lớp 12 của chàng học sinh giỏi Phan Minh Tiến. Anh đã hứa sẽ quay trở lại phục vụ quê hương sau khi học xong.

Phan Minh Tiến (sinh năm 1991, quê huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh) tốt nghiệp ngành công nghệ hoá trường ĐH Bách khoa năm 2014. Trong 5 năm tiếp theo, Tiến đi làm ở các công ty xi măng Holcim-Kiên Giang, công ty khí Cà Mau.

Mỗi khi về thăm nhà, nhìn thấy cơm dừa nước bán dọc đường treo lủng lẳng từng bịch, chàng trai 9X lại cứ băn khoăn vì biết chắc chất lượng dừa sẽ giảm đáng kể khi để ngoài trời, dừa nước rất dễ hư và mùi vị sẽ nhạt khi để lâu ngoài trời.

Gắn bó với cây dừa nước từ nhỏ, anh luôn trăn trở làm sao để chính cây dừa nước ở quê mang lại giá trị kinh tế cao cho gia đình và người dân.

Nghĩ là làm, anh bỏ công việc ổn định ở một công ty lớn trong thành phố để trở về quê Cần Giờ khởi nghiệp. Công việc của chàng kỹ sư là lội nước mát-xa cây dừa nước để lấy mật. “Chúng tôi đã nghiên cứu ra kỹ thuật chăm sóc phần cuống nối buồng dừa và thân cây dừa nước để thu về từng giọt mật. Mỗi cuống chảy ra trung bình một lít mật mỗi ngày và liên tục trong 30 ngày”, anh Tiến chia sẻ.

Ngoài mật dừa tinh chất, anh còn sản xuất thêm mật dừa cô đặc và đường mật dừa nước, đạt chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng (ISO), hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (HACCP).

Hiện nay, sản phẩm mật dừa nước đã được biết đến qua những phiên chợ xanh, hội chợ, kênh bán hàng trực tuyến… Những bước đi chậm mà chắc của Tiến bước đầu đã có kết quả. Thương hiệu mật dừa nước ông Sáu cuối cùng đã ra đời, với website www.duanuocongsau.com và sản phẩm được bán tại các hội chợ lẫn các kênh bán hàng trực tuyến khác.

“Ông Sáu là tên gọi ở nhà của ba tôi. Dừa nước ông Sáu như hình ảnh đậm chất Nam bộ, đồng thời cũng là 6 tiêu chí của sản phẩm: chất lượng, khách hàng hài lòng, đối tác tin cậy, nhân viên nhiệt tâm, bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội”, Tiến chia sẻ.

Tiếp đó, anh thành lập VietNipa để thương mại hóa sản phẩm. VietNipa hiện có 2 dòng sản phẩm là mật dừa nước tinh chất và mật dừa nước cô đặc, đều đã được kiểm nghiệm tại Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM (Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM).

Anh Tiến cho biết, sản phẩm qua kiểm nghiệm đều cho ra các thông số phù hợp với người tiểu đường, ăn chay, ăn kiêng chất tạo ngọt; có khả năng thanh nhiệt, giải độc, bù khoáng cho cơ thể. Những chất này hoàn toàn tự nhiên, sẵn có trong cây dừa nước.

Được đào tạo chuyên ngành về kỹ sư hóa, lại từng làm việc trong mảng quản lý sản xuất tại các doanh nghiệp ngành xi măng, dầu khí, nên Tiến rất hiểu cách đảm bảo chất lượng sản phẩm, kiểm nghiệm, điều tiết máy móc… Những kinh nghiệm đó được Tiến vận dụng hiệu quả tại VietNipa.

Bên cạnh kế hoạch tạo vùng nguyên liệu riêng, khi đã sản xuất mật dừa nước với số lượng ổn định hàng tháng, Tiến sẽ bắt tay sản xuất cơm dừa. Anh dự tính, khoảng 2 – 3 năm tới sẽ mở rộng kênh xuất khẩu, sau khi khi đã đưa thương hiệu Mật dừa nước ông Sáu đến gần hơn với thị trường nội địa.

TH&SP

Bài viết cùng chủ đề: