Biết con trai khó đủ tiền mua nhà, người mẹ đã chọn cách hy sinh đầy xúc động.

Người mẹ nào cũng mong muốn dành điều tốt đẹp nhất cho con. Dù con có lớn tồng ngồng nhưng trong mắt mẹ thì vẫn là đứa trẻ nhỏ cần bảo bọc, che chở. Ngay từ thuở nhỏ, mẹ đã hy sinh “bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn”. Đến khi sức lực già yếu, mẹ vẫn chắt chiu dành tài sản cho con như câu chuyện mẹ bán rau kiếm tiền cho con trai mua nhà thành phố sau đây.

Sống tại vùng nông thôn nghèo khó, một người mẹ già tần tảo thức khuya dậy sớm để bán rau củ và trái cây nhà trồng bên lề đường. Toàn bộ số tiền kiếm được, bà dành dụm để gửi lên cho con trai sống ở thành phố. Chẳng tiêu đồng nào cho mình, tấm lòng người mẹ dành hết cho con cả sức lực lẫn tiền bạc.

Vào ban đêm, người dân thấy cụ bà vẫn tranh thủ gánh trái cây đi mời mọi người mua. Đến sáng, cụ bà 68 tuổi lại đẩy xe rau củ vào chợ. Cứ như vậy, bà quần quật làm việc cả ngày, hiếm hoi mới có thời giờ ngơi nghỉ nhưng cũng chỉ tranh thủ chốc lát. Những khi bán hết hàng, bà cụ bỏ ra tầm 7 ngàn đồng để thuê một gian nhỏ ở chợ và chợp mắt qua đêm. Tờ mờ sáng, cụ bà lại về nhà lấy rau củ mang ra chợ bán.

Làm việc cả ngày, số tiền kiếm được đều gửi lên cho con trai sống ở thành phố. Khi người con kết hôn, đồng lương ít ỏi nên việc trang trải cuộc sống đã là cả vấn đề. Nhìn thấy tình cảnh của con, người mẹ già dù sức lực cạn kiệt nhưng vì tình thương nên gắng gượng làm việc mưu sinh. Dù sao mức sống ở quê vẫn dễ chịu hơn, nên người mẹ chi xài tiết kiệm và dồn hết tiền bạc gửi lên phụ giúp con trai.

Nghe qua thấy nghịch lý quá chừng. Đáng lẽ con cái trưởng thành, có việc làm thì phải phụng dưỡng mẹ cha. Đằng này, mẹ già lại phải kiếm tiền và chu cấp con trai lớn tồng ngồng. Bán sức lực thức thâu đêm suốt sáng, đã thế chẳng còn tiền lo tuổi già, người mẹ chịu mọi thiệt thòi để con đỡ vất vả.

Thu nhập của con trai cụ bà rất thấp, tại thành phố sầm uất với mức sống đắt đỏ nhưng anh chỉ kiếm về tầm 13 triệu/tháng nên hai vợ chồng trang trải rất eo hẹp. Biết con trai khó đủ tiền mua nhà, người mẹ đã chọn cách hy sinh đầy xúc động.

Nghe chuyện mẹ bán rau kiếm tiền cho con trai mua nhà thành phố, ngoài tình mẫu tử thiêng liêng thì lại chạnh lòng khi nghĩ đến hành xử của bà. Biết là thương con, không thể đành đoạn nhìn con sống khổ sở nhưng dù sao người con cũng đã trưởng thành. Nếu hôm nay còn khó khăn thì đó là động lực để anh chàng càng phấn đấu hơn, chứ không phải để người mẹ phải chọn cách bán mạng làm việc khổ cực như vậy.

Có câu chuyện kể về người mẹ tại Ấn Độ đã dốc tiền của xây nhà cho 7 người con. Đến khi bà già yếu bệnh tật, chẳng người con nào chịu phụng dưỡng và xem bà là gánh nặng. Thậm chí, con trai 50 tuổi còn nhẫn tâm mướn côn đồ bỏ mẹ ngoài đường vì không muốn chăm sóc. Lòng người mẹ thương con đổi về nỗi niềm cay đắng. Bao nhiêu tiền của nếu bà để dành cho mình để khi già yếu có thể tự xoay sở thì chẳng phải đã không xảy ra cớ sự đáng tiếc hay sao?

Cá chuối đắm đuối vì con, bao đời nay vẫn là như thế. Trong mắt mẹ thì con dù lớn tồng ngồng nhưng luôn cần phải chăm sóc. Tuy vậy tình thương dành cho con cái trưởng thành cũng cần lý trí, tỉnh táo. Sinh con, nuôi dưỡng đến khi đủ lông đủ cánh thì cha mẹ nên để chúng tự lập. Đó mới thực sự là thương con vì dạy con sống bản lĩnh, kiên cường và có trách nhiệm hơn thay vì phải bận tâm “sống giùm” con.