Hiện giờ có thể nói Tetracyclin là thứ thuốc vớ vẩn nhưng ngày xưa có đã là tốt lắm rồi. Và “nhờ” kháng sinh Tetracyclin mà chúng ta có cả một “thế hệ răng đen”.
Thời dân chữa bệnh không mất tiền
Thời bao cấp, người dân được Nhà nước chăm lo sức khỏe toàn bộ từ khi sinh ra, lớn lên đến khi ra đi, ốm vào viện. Người dân thời đó đi khám bệnh hay mua thuốc rồi mang hóa đơn về cơ quan hay bệnh viện thanh toán mà không mất tiền. Thế nhưng thời đó, điều kiện chữa trị còn rất thiếu thốn.
Bệnh nhẹ như cảm cúm, ho, đau đầu… người dân tự bỏ tiền ra mua thuốc ở bên ngoài (được gọi là các loại thuốc thông thường). Các loại thuốc tối cấp, thiết yếu thường phải có đơn từ bác sĩ. hệ thống y tế gồm: trạm y tế, bệnh viện tuyến huyện và phòng khám khu vực, bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương. Trạm y tế xã chủ yếu có một y sĩ chung, một y sĩ sản nhi và một lương y; lên huyện thường là các trường hợp cấp cứu, mổ xẻ…
Người dân thời đó khám bệnh được bao cấp
Ông Nguyễn Hậu (Đống Đa, Hà Nội) kể rằng, cán bộ, công nhân viên đi khám bệnh chỉ cần xin giấy giới thiệu của y tế cơ quan, đến khám tại bệnh viện hoặc phòng khám, sau đó tự đi mua thuốc, đem hóa đơn về rồi cơ quan thanh toán.
Còn nếu là dân thường thì xin giấy giới thiệu từ xã hoặc phường rồi theo trình tự như trên mà làm. Trường hợp phải nằm việc chỉ việc ký vào một tờ giấy để bệnh viện quyết toán với cấp trên là được.
Ông Hậu còn cho biết thêm, mọi hoạt động khám chữa bệnh phải theo tuyến. Ví dụ, dân không được vào Bệnh viện Việt Xô vì đó là bệnh viện chỉ dành cho cán bộ cao cấp, ngay cả trường hợp cấp cứu nên có nhiều người chết oan vì không cấp cứu kịp thời. Bộ đội, công an có bệnh viện riêng.
Bệnh viện thời bao cấp nhìn trước ngó sau đều là thiếu thốn
Bao cấp nhưng trong bối cảnh tiền Nhà nước không nhiều, sản xuất không phát triển nên bệnh viện gặp vô vàn khó khăn. Từng làm phòng thư ký tổng hợp từ thời cố Bộ trưởng Đặng Hồi Xuân trong các năm 1982-1988, sau đó là thư ký cho cố Bộ trưởng Phạm Song trong giai đoạn 1988-1992, ông Hoàng Trọng Quang vẫn nhớ như in những khó khăn của ngành y lúc đó.
Ông kể rằng, các loại thuốc men, trang thiết bị y tế chủ yếu được viện trợ. Bộ Y tế có cả Vụ kế hoạch, Cục vật tư làm nhiệm vụ phân chỉ tiêu cho các bệnh viện. Ví dụ, Bệnh viện Bạch Mai một năm được cấp bao nhiêu cái chiếu, chăn, đường, sữa, xăng dầu, thuốc mèn… Các bệnh viện ngày xưa bé, chủ yếu kiểu nhà 1 tầng, chỗ “xịn” nhất thì có 3 tầng. Phòng ốc cũng đơn giản lắm.
Các bác sĩ mặc áo blouse, đeo găng tay, máy đo huyết áp… Đèn phẫu thuật có đèn măng xông sáng choang, dĩ nhiên không bằng đèn điện, cũng gây tê gây mê, sát trùng cồn, luộc; dao mổ được viện trợ cả bộ tiểu phẫu, bộ đại phẫu. Nói chung, mọi thứ đều nằm trong 2 chữa “viện trợ”.
Thế nhưng, trang bị y tế thời bao cấp thô sơ, cồng kềnh. Ví như chiếc máy X-quang cũ rích, to đùng. Việc đếm hồng cầu cũng làm thủ công là dùng mắt thường đếm, không máy móc. Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân chủ yếu dựa trên kinh nghiệm là chính. Khi ấy, các bác sĩ ở cả Bệnh viện Việt Xô (bệnh viện chuyên chăm sóc sức khỏe cán bộ cấp cao) cũng nói đùa: “Anh hồng cầu 2,5 triệu thì cũng cấp cứu như anh 3,5 triệu”.
Thiết bị y tế thô sơ
Thời bao cấp, bệnh viện Việt Đức được xem là bệnh viện đầu ngành. Thế nhưng vào những năm 1986, cả khoa gan mật có trăm bệnh nhân mà chỉ có 2 máy hút dịch là loại đạp chân. Máy hút điện thì to, hay mất điện nên cũng không được sử dụng nhiều. Còn máy chụp CT scanner, chụp cộng hưởng từ MR được coi là “của hiếm” thời đó.
Ông Quang vẫn nhớ như in vào thời điểm năm 1990, ông có dịp cùng Bộ trường Phạm Song sang Pháp tìm hiểu thì biết một máy CT scanner giá một triệu USD (bằng tiền xây cả 6 toà nhà 5 tầng công sở thời bấy giờ). Thấy nước họ máy móc y tế hiện đại, cố Bộ trưởng Phạm Song cũng dò hỏi để đặt mua về Việt Nam thì được khuyên đừng mua vì “máy cực kỳ đắt, cả nước Pháp thời kỳ đó cũng chỉ có 6 máy”. Và chiếc máy CT scanner đầu tiên nước ta có được đặt tại Bệnh viện 108, trang bị cho tuyến đầu ngành để phục vụ công tác khám chữa bệnh.
Có cả 1 thế hệ răng đen “nhờ” kháng sinh Tetracyclin
Thời bao cấp, chúng ta không chỉ thiếu thốn về trang thiết bị y tế mà còn khan hiếm cả về thuốc. Với người Việt Nam thời đó có lẽ không ai là không biết kháng sinh Tetracyclin. Người ta nói, cứ hễ có bệnh là uống Tetracyclin… Và hậu quả là chúng ta có cả một thế hệ răng bị đen.
Tetracyclin đã là quý rồi, ấy vậy mà các biệt dược như amoxicillin, ampicillin, penicillin hay lanhcosin (chữa lậu, giang mai) lại thuộc hàng hiếm. Đó là những thứ vô cùng cao cấp. Nhà nào khá giả một chút, có tí “quan hệ” mới dự trữ được loại thuốc quý này. Dù thời đó đang làm ở Bộ Y tế, bản thân ông Quang cũng không mơ có được những loại thuốc trên trong nhà.
Tủ thuốc nhà nào “sang” thì có có ít kháng sinh, thuốc đau đầu seda, cảm cúm, thuốc đau bụng; nếu không khi đau đầu, nhiều người chỉ cần nấu nồi nước xông, đau bụng có ngải cứu, sốt thì lá nhọ nồi.
“Giờ nhìn lại có thể nói tetracycline là thứ thuốc vớ vẩn nhưng ngày xưa có đã là tốt lắm rồi. Kháng sinh ngày xưa đúng nghĩa của để dành, có cất giữ. Cứ có thuốc là quý, trừ loại để mốc, ẩm cứ còn nguyên vẹn thì vẫn dùng được, chứ không để ý mấy đến hạn dùng”, ông Quang nói.
Nhưng thời đó thuốc nam lại thịnh hành. Tại xã, cán bộ y tế trồng, sản xuất và sử dụng thuốc nam rất nhiều. Công nghệ sản xuất hết sức đơn giản: Lấy cây thuốc hương nhu, bạc hà tán ra, vo viên thành thuốc cho người dân uống. Huyện cũng cũng có thể pha chế dịch truyền để truyền: nước muối, đường, nước pha thuốc tiêm…
Bác sĩ cũng tăng gia sản xuất
Bác sĩ, nhân viên y tế thời bao cấp cũng rất khó khăn. Họ cũng phải nuôi lợn, nuôi gà, làm những việc lao động thêm để lo cho cuộc sống. Học Dược ra trường, ông Quang được chọn về làm việc trong Bộ. Sang ông đến công sở làm việc, trưa mở cặp lồng cơm ra hâm nóng, ăn xong nghỉ một tí rồi chiều ghi tên lên bảng đi cơ sở nhưng thực chất là đi xếp hàng mua gạo, dầu, tem phiếu, đón con…
Bên cạnh đó, ông Quang cũng phải nhận thêm việc bóc lạc, dán giấy keo, dán bao dầu con hổ, cao sao vàng… Thỉnh thoảng thứ 7 phải đi làm nhưng ông xin phép nghỉ để phơi, rửa, lọc dược liệu kiếm thêm tý tiền; còn phép thì xin nghỉ hoặc trốn việc đi làm thêm.
“Nói chung cuộc sống thời đó rất đơn giản. Cán bộ ngày xưa rất tốt. Có thể thời điểm đó ai cũng khó khăn, cũng nghèo như nhau; hơn nhau có khi chỉ là cái đài, xe máy không thì xe đạp, không có gì hơn. Cuộc sống giờ thì khác, giàu nghèo chênh nhau một trời một vực” ông Quang cho biết.
Tuy nhiên, cùng với sự chuyển mình của đất nước, ngành y tế sau năm 1986 cũng có những bước thay đổi đột phá. Tại một hội nghị y tế ở TP HCM vào tháng 11/1988, cố Bộ trưởng Phạm Song đưa ra 2 chủ trương lớn: cho khám chữa bệnh tư và cho mở cửa hàng dược tư. Điều này đã tháo gỡ cho người dân rất nhiều, mở ra cho ngành y tế một lối thoát.
Đến ngày 21/6/1989, cố Bộ trưởng tự viết bài về bảo hiểm y tế: thu một phần viện phí để tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Nó thực sự tạo nên chuyển đổi quan trọng mặc dù gây xáo động trong xã hội thời đó. Hải Phòng là địa phương xung phong thí điểm đầu tiên. Nhờ đó mà các bệnh viện dần có kinh phí.
Cho đến nay, bảo hiểm y tế vẫn là “xương sống” của hệ thống y tế với mục tiêu là phải phổ cập được bảo hiểm y tế toàn dân. Đến nay, nó là nguồn lực chủ yếu để phục vụ công tác khám chữa bệnh ngày càng ổn định và phát triển.