Tuổi thơ của biết bao thế hệ người Việt Nam ở các miền quê không chỉ gắn liền với lũy tre làng mà còn gắn với hình ảnh cây đa cổ thụ từ bao đời nay.
Làng quê Việt Nam xưa không thể thiếu đi gốc đa cổ thụ
Đa là loại cây thuộc họ Dâu tằm, dễ trồng và sống lâu tới hàng trăm hàng ngàn tuổi. Dù là trong chiến tranh ác liệt hay bão táp mưa sa, trải qua ngần ấy năm tháng khắc nghiệt, cây đa vẫn sừng sững tỏa bóng mát giữa trời xanh, ôm trọn cả một góc quê hương.
Trẻ chăn trâu thuở ấy tha hồ ẩn náu dưới từng cội đa để chơi trò đuổi bắt. Tán đa to, rộng lớn che khuất một khoảng trời, lá đa xanh ngắt, tươi tốt bốn mùa gọi chim về làm tổ. Trong vòm lá, tiếng chim ngân nga ríu rít gọi bầy.
Và ở khoảng rất gần đó, bên gốc tre già, con trâu nằm lim dim nhai lại cỏ và nhìn xa xăm về gốc đa xem lũ trẻ con chạy nhảy, nô đùa mặc cho những chú chim sáo tự do nhảy nhót trên lưng trên đầu.
Gốc đa làng quê đã ghi dấu biết bao kỷ niệm tươi đẹp của một thời ấu thơ đáng nhớ, nó như hằn sâu vào tâm trí của những đứa trẻ ngây ngô, vô lo vô nghĩ. Chắc hẳn cho đến bây giờ, những kỷ niệm về những trận chiến… trâu lá đa vẫn sẽ không bao giờ phai mờ đi trong ký ức của những đứa trẻ lớn lên bên gốc đa già.
Trò chơi trước thời đại của điện thoại hay máy tính bảng
Cuộc sống ngày càng phát triển, những món đồ chơi xưa cũ của trẻ con dần được thay thế bằng những món đồ chơi công nghệ hiện đại. Trẻ con ngày nay cũng ít được ra ngoài chơi với thiên nhiên bởi bố mẹ chúng sợ cho con nhặt lá bẩn dưới đất. Và cũng có nhiều bố mẹ muốn làm cho con một con trâu bằng lá đa nhưng khổ nỗi tìm mãi không ra cái… lá.
Ngược lại, trẻ con ngày xưa không đứa nào là không biết làm trâu từ lá đa, lá mít… chỉ với các nguyên liệu cực đơn giản: một cái lá lành lặn, 2 sợi cỏ, vài sợi rơm là có thể làm được ngay một con “trâu” để giật giật và kêu “ọ ọ” một cách khoan khoái chẳng khác gì trâu thật. Đứa trẻ nào cũng vậy, hễ lần đầu tiên được cầm trên tay một chú trâu lá đa thì chúng đều rất tò mò và thú vị về món đồ chơi độc đáo này.
Ngày nay, do khan hiếm nên chúng ta có thể tạo hình trâu từ lá mít
Vẫn nhớ như in những lần được ông nội làm cho một con trâu bằng lá của cây đa trước sân chùa làng. Chỉ với vài thao tác đơn giản, chiếc lá đa to lớn đã phút chốc biến thành hình hài một chú trâu mộng trông thật hùng dũng.
Lần đầu tiên được cầm trên tay một chú trâu khiến một đứa trẻ con không khỏi băn khoăn và thắc mắc trâu ăn gì mà trong bụng không có gì cả? Có lẽ bài học ý nghĩa nhất mà món đồ chơi này mang lại chính là khi ông nội nói:
“Tán cây đa trùm mát làng ta, bụng trâu lá đa chứa đựng tình cảm của dân làng ta, vì thế mà không cần ăn gì, trâu lá đa vẫn sống và mãi mãi là người bạn thân thiết của trẻ con”.
Ông nội vẫn hay dạy rằng, chơi trâu lá đa điệu nghệ là phải làm sao cho nó vừa tỏ ra hùng dũng với cặp sừng cong vút, vừa thể hiện được sự đỉnh đạc của người bạn của nhà nông.
Cả một vườn lá đa rụng đầy, mỗi đứa trẻ phải tìm ra chiếc lá to nhất, đẹp nhất, xanh mướt nhất mới làm nên được con Trâu đẹp nhất để thi đấu với nhau mà không bị gãy đầu trước thì mới chiến thắng.
Những ngày rong ruổi vui chơi, lũ trẻ con trong làng thường rủ nhau đến chỗ bóng mát cây đa cổ thụ ngồi để thả hồn theo những đám mây trắng trôi bồng bềnh, chậm rãi trên nền trời xanh thẳm, lắng nghe tiếng sáo diều vi vu trong gió, rồi lại ngắm cánh đồng lúa trải xanh mướt đung đưa như những làn sóng nước cùng những con hồ điệp bay chập chờn trên các ngọn cỏ.
gốc cổ thụ xưa
Thế hệ đi trước bồi hồi nhớ đến những kỉ niệm tươi đẹp dưới gốc đa xưa
Tuổi thơ cứ thế trôi êm đềm với rất nhiều kỷ niệm tươi đẹp. Bên gốc đa làng, những trận chọi trâu lá đa ngày ấy cũng sôi động và quyết liệt không kém gì Hội thi chọi trâu Đồ Sơn ngày nay.
Văn hóa truyền thống dân tộc Việt với những trò chơi dân gian đơn giản mà thú vị như: trâu lá đa, bịt mắt bắt dê, giật cờ… đang dần bị mai một. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các trường học đang tích cực khôi phục và đưa trò chơi dân gian vào học đường. Đây là một tín hiệu đáng mừng dù có chút muộn màng.
Chúng ta vẫn sẽ hy vọng, vào một ngày không xa, trò chơi dân gian trâu lá đa lại được những bàn tay nhỏ xíu, đáng yêu chăm bẵm, để rồi lớn cùng tuổi thơ.