Nếu cha mẹ quá lạm dụng kiểu giáo dục “than nghèo kể khổ” có thể vô tình tác động tiêu cực đến nhận thức của trẻ, khiến trẻ cảm thấy tự ti, áy náy và xem mình là gánh nặng của cha mẹ.
Hãy dừng việc than nghèo kể khổ với con trẻ
Thực tế, nhiều cha mẹ thường vô tình nói với con trẻ những câu như: “Con phải chi tiêu tiết kiệm vì nhà mình còn nợ nần nhiều”, “Bố mẹ phải vất vả lắm mới kiếm ra đồng tiền nuôi con ăn học”, “Con có biết tiền học của con rất tốn kém không?”, “Cha mẹ phải chắt bóp từng đồng mới đủ tiền nuôi con”…
Tuy các bậc cha mẹ coi đây chỉ là những lời cằn nhằn bình thường, nhưng với con, đó có thể là nỗi ám ảnh.
Nếu những câu nói đó trẻ nghe đi nghe lại nhiều lần thì về sau đứa trẻ trở nên rụt rè, tự ti và không dám đưa ra yêu cầu khi muốn mua thứ mà chúng muốn. Trẻ luôn trong tình trạng áy náy, thấy mình là gánh nặng của cha mẹ.Nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia Trung Quốc, Chu Zhaohui, chia sẻ: “Dù ý định của cha mẹ là dạy con bài học về việc kiếm tiền không dễ, cần trân trọng và không chi tiêu bừa bãi, nhưng nếu lạm dụng sẽ tác động tiêu cực đến nhận thức của trẻ”.
Theo ông Chu Zhaohui, khi quá khó để đạt được một thứ gì đó, trẻ sẽ quên đi ý nghĩa chính của nó. Ví dụ khi trẻ muốn mua đồ chơi với mong muốn vui vẻ, nhưng cố gắng thế nào cũng không có món đồ chơi đó. Trẻ sau này sẽ chỉ tập trung vào món đồ mà quên mất ý nghĩa ban đầu là tạo niềm vui.
Đối với tiền cũng vậy, việc trẻ rất khó để được đáp ứng nhu cầu vật chất sẽ xuất hiện tâm lý bất an. Hơn nữa trong mối quan hệ với bạn bè và đồng nghiệp sau này, chúng sẽ luôn tỏ ra keo kiệt và không được mọi người nể trọng vì quá quan tâm tới tiền bạc.
“Những đứa trẻ như vậy lớn lên, rất có thể sẽ trở thành những người ham muốn tiền bạc quá mức. Thậm chí sẽ xuất hiện cảm giác thiếu thốn tự ti và sợ tiền.
Chúng sẽ cảm thấy tội lỗi khi tiêu tiền và có xu hướng tích trữ tiền bằng mọi giá để có cảm giác an toàn. Có trường hợp, những đứa trẻ này lớn lên thành người chăm chỉ làm việc kiếm tiền, thậm chí chìm đắm trong ham muốn tiền bạc và không bao giờ cảm thấy thỏa mãn”, ông Chu Zhaohui chia sẻ thêm.
Peng Kaiping, giáo sư Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc cũng từng chia sẻ: “Nói với con cái gia đình mình nghèo, đồng nghĩa với việc đang gieo rắc cảm giác thiếu thốn cho con trẻ”.
Nghèo đói không phải là thứ gây hại lớn nhất cho trẻ em. Nhưng cảm xúc tự trách, tội lỗi bắt nguồn từ cách thể hiện sai lầm của cha mẹ có thể hủy hoại tâm hồn trẻ.
Bởi vậy, việc cha mẹ thường xuyên “than nghèo kể khổ” sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời của con cái, không chỉ mối quan hệ của chúng với tiền bạc mà còn cả mối quan hệ với xã hội sau này.
Hãy dạy trẻ về giá trị của đồng tiền
Khi trẻ nói ra nhu cầu của bản thân, mong muốn của trẻ có được đáp ứng hay không còn tùy thuộc vào khả năng tài chính và sự sẵn lòng của cha mẹ.
Nếu cha mẹ có khả năng và nhu cầu của con là hợp lý thì hãy vui vẻ làm hài lòng con cái thay vì nói những câu như “Bố phải làm vất vả 2 ngày trời mới đủ tiền mua đôi giày này cho con”, hay “Bữa ăn này của con bằng 1 ngày lương của mẹ đấy”…
Trong trường hợp cha mẹ không có khả năng đáp ứng các nhu cầu của con, hãy chia sẻ thẳng thật với con cái. Bạn có thể nói với con: “Hiện nay cha mẹ chưa có khả năng mua thứ này cho con, cha mẹ sẽ mua cho con vào một dịp khác”, “Món đồ này mẹ thấy chưa hợp lý, để khi con vào lớp 6 mẹ sẽ mua nó cho con”, hay “Theo mẹ, thay vì mua máy chơi games này, con nên để dành tiền mua bộ màu vẽ mà con rất thích trước đó”…
Bạn cần giải thích cho con hiểu rằng dù nhu cầu của con không được đáp ứng thì đó cũng không phải lỗi của con và con vẫn có thể sống một cuộc sống sung túc nhờ sự nỗ lực của chính mình trong tương lai.
Trong thực tế, khi trẻ càng lớn lên sẽ càng cho rằng tiền có thể mua được nhiều thứ, đồng thời cũng rất dễ rơi vào tình trạng so sánh về mặt vật chất với các bạn cùng trang lứa.
Chị Trần Thị Hương (Giáo viên của một trường Tiểu học ở Đức Trọng, Lâm Đồng) chia sẻ, tuy là giáo viên hiện đang dạy học sinh lớp 4 nhưng tôi vẫn bị ngỡ ngàng với nhận xét của các bạn chơi thân với con gái khi đến chơi nhà “Tớ không nghĩ nhà bạn giàu thế”.
Mặc dù những câu nói tương tự như thế này tôi vẫn nghe rất nhiều ở các học sinh trên lớp, nào là “Bác nhà bạn ở Hà Nội có giàu không?”, “Mẹ bạn làm nghề bác sĩ chắc lương cao lắm?”…
“Cha mẹ nên thừa nhận sức mạnh của đồng tiền trước mặt con. Trẻ sẽ học được rằng tiền có thể mang lại những thứ vật chất tốt hơn và việc muốn trở nên giàu có là điều bình thường, tốt đẹp.
Nhưng con cũng không cần thiết phải cảm thấy mất tự tin khi hiện tại gia đình chưa có nhiều tiền, bởi vì cha mẹ hay các con sau này đều có khả năng trở nên giàu có nhờ nỗ lực của chính bản thân mình”, Chị Hương chia sẻ kinh nghiệm.
Tuy nhiên, cha mẹ cũng nên dạy cho con hiểu rằng có một số thứ mà tiền không thể mua được, chẳng hạn như sức khỏe, tình yêu thương, sự tôn trọng của người khác…
- Hàng xóm trả giá đắt vì đậu xe thách thức trước cửa nhà
- 3 loại "bệnh vặt" mà gia đình nghèo hay mắc phải, nếu không sửa đổi thì con cái khó thành công
- Lãi 2,4 tỷ đồng sau 6 năm mua "nhà trong ngõ"
- Trồng loại hoa biểu tượng cho sự trường tồn, bất diệt, nông dân Sài Gòn bán “3 ngày Tết” đút túi 400 triệu ngon ơ
- Cách xưng hô gây chú ý của bà xã Cường Đô La với mẹ chồng khi làm ‘dâu hào môn’