Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
133 lượt xem

Hưng Yên: Bà lão trồng loại cam cổ to như quả bưởi, có quả nặng trên 1kg, bình thường 400 – 500gram

Vườn của ông nội bà Hòa có tới hàng chục gốc và ông gọi nó là cam Động Đình. Chúng cứ lớn lên một cách tự nhiên mà chẳng có phân tro, chăm sóc gì cả. Bà Hòa cầm một quả cam và một quả bưởi để tôi thấy kích cỡ quả là ngang nhau.

“Có những quả cam đến thời kỳ thu hoạch nặng tới hơn 1kg, còn trung bình cũng 400 – 500gram”, đi giữa vườn cam cổ khổng lồ, bà Đoàn Thị Hòa, chủ trang trại ở thôn Ngũ Lão, xã Quang Hưng (huyện Phù Cừ, Hưng Yên) cho biết. Cam Động Đình ra hoa vào tháng Giêng, bắt đầu chín vào tháng 11, 12 âm lịch.

Tết đến, những quả cam cổ khổng lồ vỏ dần chuyển sang màu đỏ vàng, được ông hái xuống rồi đặt lên ban thờ cùng mấy thứ quả trong vườn nhà như cam, chuối, bưởi, quất, trứng gà. Cam Động Đình còn được ông dành để biếu những chỗ ân tình, mỗi nhà dăm ba quả.

Thường là người ta không ăn ngay mà bảo quản chúng bằng cách bọc lá chuối khô rồi vùi vào cát, để dưới gầm giường. Sang đến tháng 4, tháng 5 khi nắng hè oi ả, đi ngoài đồng về người mướt mải mồ hôi, pha một cốc nước cam uống có khi còn hơn cả uống một thang thuốc bổ. Những dịp trời chuyển mùa, dịch cúm xảy ra mà uống cốc nước cam vào người, ốm cũng nhanh chóng thành khỏe.

“Vì cam cổ khổng lồ quả rất chua, khó ăn trực tiếp được nên trước đây tôi toàn vắt nước rồi pha với đường hoa mai, sau này có mật ong nhãn trong vườn thì pha vào để uống, nhờ đó mà không ốm, không đau họng bao giờ. Ngày xưa, tôi rời nhà đi học Cao đẳng Sư phạm Hải Hưng suốt 3 năm, không được uống nước cam nên hay bị viêm họng, viêm xoang, sau khi trở về quê thì không thấy còn mắc nữa”, bà Hòa kể.

Cam cổ khổng lồ được trồng theo kiểu chiết cành, 2 – 3 năm là có quả, 4 – 5 năm là ăn ngon. Chúng là giống cây rất khỏe, ít sâu bệnh, chẳng thấy bị rỉ sắt, vàng lá thối rễ hay vàng lá gân xanh nên không phải dùng đến thuốc sâu. Không như các loại cam khác rời thuốc sâu ra cái là hỏng ăn. Nhưng tiếc thay, 20 năm nay, vì quả cam cổ có vị chua quá nên nhiều người dân trong vùng đã phá bỏ chúng. Dăm bảy năm trước có mấy nhà tiếc của trồng lại, tuy nhiên cũng vì chua mà không bán được lại phá bỏ tiếp.

Ông Đỗ Văn Tư, chồng bà Hòa cười: “Cam cổ chua chỉ kém mỗi quả trấp nhưng vị của nó dịu và thanh chứ không bị gắt. Mọi năm, ít người biết đến giống cam này nên bán cũng chẳng ai mua nhưng năm ngoái hình như do bên ngoài cam mất mùa nên thương lái đến đòi mua với giá 20.000đ/kg”.

Trong trang trại bát ngát rộng tới 5ha có các phân khu ao thả cá, thả sen, vườn cây ăn quả, chuồng trại gia cầm được quy hoạch rất đẹp. Ngoài giống cam cổ khổng lồ, họ còn có 5 gốc nhãn đường phèn, 30 gốc nhãn hương chi, hơn 50 gốc nhãn ta và đặc biệt là 2 giống bưởi cổ.

Bưởi trắng chua có vị thanh và mát, còn bưởi đào chua tôi chỉ mới vừa nếm đã thấy gai ốc sởn lên, không phải vì chua mà bởi nó ngon rất khó tả. Loài người thường bị sởn gai ốc trước những gì quá đặc biệt, quá xúc động và đó chính là cảm giác của tôi khi ấy.

Bà Hòa rủ rỉ: “Con gái tôi đang học về an toàn thực phẩm bên Nhật, còn chồng nó đang học về môi trường cũng ở bên đó. Nó bảo người Nhật không hảo ngọt như người Việt và chuộng vị chua tự nhiên. Các giống cam, bưởi cổ của ta rất hợp với xu thế đó nhưng tiếc là chưa có đoàn khoa học nào chịu về đây mà nghiên cứu cả. Sau này chúng học về sẽ tiếp quản trang trại của bố mẹ và phát triển chúng theo hướng chế biến sâu những loại nông sản sạch, gốc bản địa”…

Theo nongsanviet.nongnghiep.vn

Bài viết cùng chủ đề: