Hiện nay, với 2 lò hấp phôi nấm của trang trại, mỗi lần ông Hưng có thể hấp được khoảng 7.000 phôi nấm thành phẩm trước khi giao cho người dân trồng nấm.
Ông Nguyễn Ngọc Hưng, một nông dân xã Tà Hine, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) đã liên kết với khoảng 40 hộ dân trong vùng trồng nấm hồng chi. Bình quân, sản lượng nấm hồng chi do ông Hưng trồng, thu mua đạt gần 7 tấn/năm, giá nấm hồng chi 1,8 triệu đồng/kg nhưng không đủ cung cấp cho thị trường.
Biết được sản phẩm nấm hồng chi của ông Nguyễn Ngọc Hưng tại sự kiện trưng bày sản phẩm nông sản trong Lễ cúng Mừng lúa mới của người Chu ru tại xã Tà Hine, phóng viên Báo điện tử Dân Việt rất ngạc nhiên vì công dụng của loại nấm này.
Ông Hưng cho biết, việc trồng nấm hồng chi của ông đã tạo công ăn việc làm cho ít nhất 30 lao động thường xuyên với mức lương từ 6 đến 14 triệu đồng. Đặc biệt, nấm hồng chi giúp mát gan, giải độc, tăng đề kháng, hệ miễn dịch cho người dùng và rất tốt cho phụ nữ làm đẹp.
Đến được trang trại trồng nấm của ông Hưng, phóng viên mới thấy được sự quy mô, khép kín của mô hình trồng nấm hồng chi. Toàn bộ các quy trình trồng nấm hồng chi của ông Hưng được sản xuất theo quy trình khép kín. Hay như cách nói của ông Hưng là từ A đến Z.
Đi giữa những bịch phôi nấm đang nhú mầm được xếp ngăn nắp, ông Hưng cho biết: “Toàn bộ quy trình sản xuất của tôi được làm từ A đến Z. Tức là tôi nhập nguyên liệu về để xử lý vi khuẩn, ủ, trộn, đóng bịch, hấp nhiệt rồi cuối cùng là cấy meo nấm hồng chi để trồng. Khi có thành phẩm thì chúng tôi đóng gói, cung cấp cho các kênh phân phối để bán hàng.
Trước đây, khi mới bắt đầu, tôi mua những bịch phôi nấm về để trồng nhưng do thấy lệ thuộc quá nên tôi đã tìm hiểu rồi tự mua nguyên liệu, xây dựng dây chuyền để tự sản xuất. Chính vì vậy, khi trồng nấm, tôi được chủ động được mọi công đoạn, chủ động được nguồn giống, đầu ra và cả quy trình chăm sóc”.
Ông Hưng cho biết, trước đây, ông và một số người bạn tại TP.Đà Lạt đã sử dụng nấm hồng chi. Sau thời gian dài sử dụng thấy được công dụng rất tốt của loại nấm này nên ông Hưng đã tìm hiểu và muốn tự tay trồng nấm tại trang trại của gia đình. Chính vì vậy, năm 2017, ông Hưng đã đến Trường Đại học Nông lâm TP.Hồ Chí Minh để tìm hiểu, học hỏi các kinh nghiệm trồng nấm.
“Rất may cho tôi, khi đến trường đại học thì tôi đã quen được một thạc sĩ chuyên nghiên cứu về các loại nấm. Chính vì vậy, sau thời gian học hỏi và có nguyện vọng trồng nấm hồng chi, vị thạc sĩ này đã đến huyện Đức Trọng giúp tôi 3 tháng. Trong thời gian này, các kinh nghiệm, các thức, kỹ thuật trồng nấm tôi đã học được rất nhiều.
Rất nhiều thử nghiệm, nhiều lần đưa sản phẩm nấm hồng chi đến các địa điểm như Chi cục Đo lường chất lượng, Viện nghiên cứu hạt nhân tại TP.Đà Lạt để phân tích, xác định các hoạt chất có trong nấm hồng chi. Cho đến đầu năm 2022 thì sản phẩm nấm hồng chi của tôi mới được xác định có đầy đủ hoạt chất, đảm bảo tốt cho sức khỏe của người dùng”, ông Hưng nhớ lại.
Hiện nay, với 2 lò hấp phôi nấm của trang trại, mỗi lần ông Hưng có thể hấp được khoảng 7.000 phôi nấm thành phẩm trước khi giao cho người dân trồng nấm. Mỗi tháng, công ty của ông Hưng đã cung cấp ra cho thị trường khoảng 400.000 phôi nấm hồng chi.
Theo ông Hưng, nấm hồng chi là loại nấm khá khó trồng với các điều kiện về không khí, độ ẩm, nhiệt độ. Để phát triển ổn định, ông Hưng phải luôn duy trì được nhiệt độ trong phòng trồng nấm từ 22 đến 28 độ C. Nhiệt độ này cũng tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển của cây nấm hồng chi. Song song với đó, trong nhà trồng nấm của ông Hưng cũng luôn luôn được phun sương, đảm bảo độ ẩm phù hợp cho cây nấm phát triển.
Hiện nay, ông Hưng đang cung cấp thường xuyên, chuyển giao kỹ thuật, liên kết với khoảng 40 hộ dân tại địa phương để trồng nấm hồng chi. Ngoài ra, ông Hưng cũng bao tiêu sản phẩm nấm hồng cho cho người dân khi liên kết. Trung bình, mỗi năm ông Hưng cung cấp cho thị trường khoảng 6,5 tấn nấm hồng chi. Hiện, nấm hồng chi được ông Hưng bán ra thị trường với giá 1,8 triệu đồng/kg.
“Thời gian vừa qua, có một số đơn vị ở nước ngoài đã đến đề cập việc mua sản phẩm nấm hồng chi của chúng tôi. Tuy nhiên, sản phẩm của tôi chưa đủ cung cấp cho thị trường trong nước nên tôi đã từ chối mặc dù công ty của tôi là đơn vị xuất nhập khẩu”, ông Hưng chia sẻ.