Cảnh phụ nữ mua trang sức ở phố Hàng Bạc, người dân họp chợ Bưởi cuối thế kỷ 19, đầu 20 được ghi lại qua ống kính người nước ngoài.
Công nhân lao động trong khu mỏ khoáng sản Chợ Điền – mỏ chì kẽm ở vùng đất xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn – đầu thế kỷ 20.
Ảnh được đăng trong “Việt Nam văn hóa sử cương” – sách nổi tiếng của học giả Đào Duy Anh (1904-1988), vừa được tái bản với bìa cứng. Ấn phẩm có nhiều tranh ảnh minh họa được tổng hợp từ các tạp chí đương thời.
Một phụ nữ mua trang sức tại tiệm vàng Chân Hưng ở phố Hàng Bạc, Hà Nội. Phố Hàng Bạc được hình thành từ đầu thời Lê sơ – khoảng thế kỷ 15. Đến thời Nguyễn, nơi đây tập trung nhiều thầy thợ kim hoàn, tạo ra nhiều món đồ trang sức nổi tiếng. Ngày nay, Hàng Bạc là con phố sầm uất của Hà Nội, thu hút nhiều người buôn bán và du lịch.
Một buổi họp chợ Bưởi. Đầu thế kỷ 20, chợ Bưởi là chợ lớn thuộc làng Yên Thái, họp mỗi tháng sáu phiên vào các ngày 4, 9, 14, 19, 24 và 29 âm lịch.
Việt Nam văn hóa sử cương xuất bản lần đầu năm 1938. Từ khi ra mắt, sách được đánh giá là bộ sử toàn diện đầu tiên và có hệ thống nhất về văn hóa Việt Nam từ sơ khởi đến năm 1938. Cùng “Văn minh An Nam” (La Civilization Annamite, 1944) của Nguyễn Văn Huyên, hai tác phẩm trở thành những công trình khoa học đầu tiên đặt nền tảng cho sự hình thành nền văn hóa học hiện đại Việt Nam.
Ông đồ bán chữ dịp Tết. Tục xin chữ của người Việt có từ xa xưa, gắn liền mỗi độ Tết đến, xuân về. Người Việt xin chữ để mong một năm mới vạn sự như ý, bản thân, gia đình được tốt đẹp, khởi sắc hơn.
Gian trưng bày sản phẩm cơ khí tại đấu xảo ở Hà Nội năm 1928.
Trẻ em Hà Nội mua lồng đèn dịp Tết Trung Thu.
Một góc chợ Đồng Xuân, Hà Nội đầu thế kỷ 20.
Quang cảnh một buổi lễ tế Nam Giao thời Nguyễn. Lễ tế Nam Giao và Xã Tắc là nghi lễ quan trọng bậc nhất dưới chế độ quân chủ được tổ chức thường niên. Chỉ có nhà vua mới được làm chủ lễ tế, thay mặt cho toàn dân tế trời đất, thể hiện sự uy quyền của Hoàng đế thể theo lệnh trời để cai trị đất nước. Lễ được cử hành sau 12 giờ đêm tại đàn Nam Giao (Huế) để đảm bảo tính tâm linh.
Một buổi học mỹ thuật ngoài trời – hình minh họa đăng trong tập san L’Illustration, năm 1910.
Sách cũng giới thiệu hình ảnh các di tích nổi tiếng trong nước, như tháp Chăm ở Bình Định. Hiện, Bình Định có nhiều ngọn tháp Chăm hàng nghìn năm, giàu tính nghệ thuật và kiến trúc, điêu khắc đẹp bậc nhất cả nước.
Chùa Báo Ân ở Hà Nội vào thế kỷ 19, do Émile Gsell (1838-1879) – một trong những nhiếp ảnh gia người Pháp đầu tiên đến Việt Nam – chụp.
Chùa từng tồn tại bên bờ hồ Hoàn Kiếm, được xây năm 1842 do Tổng đốc Hà Nội Nguyễn Quang Giai đứng ra quyên góp tiền. Sau khi khánh thành, chùa có quy mô bề thế bậc nhất Hà Nội khi ấy với 36.000 m2 đất, gồm 150 gian, 36 nóc. Năm 1892, chùa bị phá hủy để xây bưu điện và ngân hàng, chỉ còn sót lại tháp Hòa Phong ở sau chùa (trên đường Đinh Tiên Hoàng ngày nay).