Sự hình thành và phát triển của đạo Phật ở Tây Ninh, nhất là Phật giáo Bắc tông gắn kết chặt chẽ với tiến trình khai phá và định cư của cư dân nơi đây.
Từ rất sớm, các vị sư cùng với lưu dân trong cuộc Nam tiến đi đến những vùng đất mới để rộng truyền giáo lý của đức Phật.
Ngôi chùa đầu tiên ở Tây Ninh
Sự hình thành và phát triển của đạo Phật ở Tây Ninh, nhất là Phật giáo Bắc tông gắn kết chặt chẽ với tiến trình khai phá và định cư của cư dân nơi đây.
Theo thư tịch, Hoà thượng Ðạo Trung – Thiện Hiếu, thường được tôn gọi là Tổ Ðỉa, thuộc phái Thiền, chi phái Lâm Tế, dòng đạo Liễu Quán ở Ðàng Trong thế hệ thứ 38 đi từ chùa Hội Sơn (Thủ Ðức) qua đến vùng núi Bà Ðen (Tây Ninh) khai sơn, phá thạch thành lập nên ngôi chùa đặt hiệu là Linh Sơn Tiên Thạch vào năm Quý Mùi (1763) và hoá đạo tại Tây Ninh hơn 31 năm.
Với việc khai sáng ngôi Tam bảo trên núi Bà Ðen từ thế kỷ XVIII, Hoà thượng Thiện Hiếu đã đặt nền tảng ban đầu cho việc phát triển Phật giáo ở Tây Ninh.
Ðặc biệt, khi xưa đường lên núi để viếng chùa còn rất nhiều khó khăn, người Nam kỳ lục tỉnh lên viếng một chuyến có khi cũng phải mất vài ngày. Nên tổ Thanh Thọ – Phước Chí, trụ trì chùa Linh Sơn Tiên Thạch lúc bấy giờ về thôn Vĩnh Xuân lập chùa Phước Lâm vào năm Tân Mùi (1871), chùa nằm cặp ngay bờ rạch Tây Ninh (nay thuộc khu phố 2, phường 1, thành phố Tây Ninh), chính là nơi để bà con lục tỉnh lên đậu ghe nghỉ lại chờ ngày sau lên viếng các chùa trên núi.
Năm Bính Tý (1876), tổ Phước Chí lập chùa Linh Sơn Phước Trung ở chân núi Bà Ðen làm nơi dừng chân cho khách thập phương trước khi lên núi.
Lập chùa và phát triển các dòng truyền thừa
Chùa Huỳnh Long do Hoà thượng Liễu Dương – Thiên Tường thuộc phái Thiền, chi phái Lâm Tế, dòng Tổ Ðạo thế hệ thứ 37 khai hoang mở đất, thành lập chùa vào năm Ðinh Dậu (1777), hiện nay ngôi cổ tự này còn nằm giữa cánh rừng rậm còn sót lại ở khu phố Gia Huỳnh (Trảng Bàng).
Hoà thượng Liễu Linh – Chơn Ứng thuộc đời thứ 37 dòng Lâm Tế Tổ Ðạo từ tổ đình Phụng Sơn (Thành phố Hồ Chí Minh) vân du hoá đạo đến xứ Cầu Xe thuộc địa phận Trảng Bàng thành lập chùa đặt hiệu là Hội Phước.
Hoà thượng là bậc danh tăng của vùng Gia Ðịnh, Chợ Lớn, Tây Ninh và cả Nam bộ, ở chùa Hội Phước ngài mở lớp Gia giáo đào tạo tăng tài, nói kinh giảng pháp cho cư dân trong vùng. Ðây là hai ngôi chùa trong những ngôi chùa Phật giáo Bắc tông được thành lập rất sớm tại Tây Ninh rộng truyền dòng phái Lâm Tế Tổ Ðạo.
Buổi ban đầu, người dân thường dựng các am tranh để thờ Phật và các vị thần bảo hộ cho cư dân trong quan niệm tín ngưỡng của dân gian.
Từ miệt Gò Ðen theo chân các lưu dân trong cuộc Nam tiến, đặt chân đến vùng đất Trảng Bàng có người nữ tên Nguyễn Thị Trinh pháp danh Chơn Trinh tự Diệu Tiết đến cải tạo lại am tranh cạnh cái trảng có nhiều cây bàng sinh sống trong vùng để tu tập, thờ Phật và bốc thuốc chữa bệnh cho người dân trong vùng, đây cũng là vị trí phát tích nên địa danh “Trảng Bàng” đến ngày nay.
Am tranh được phát triển thành chùa, gọi là chùa Bà Ðồng và là tiền thân của chùa Phước Lưu. Qua đây, đã cho thấy được những đóng góp từ rất sớm của ni giới Phật giáo Bắc tông ở Tây Ninh.
Sau Hoà thượng Trừng Lực – Chơn Hữu thuộc phái Thiền, chi phái Lâm Tế, dòng đạo Liễu Quán thế hệ thứ 42 kế thế trụ trì, ngài phát triển chùa thành trung tâm ứng phú đạo tràng, đặt hiệu là Phước Lưu. Ðây là ngôi tổ đình đã góp phần vào việc mở rộng dòng Lâm Tế Liễu Quán, một chi phái thịnh hành ở Tây Ninh có gốc từ chùa Linh Sơn Tiên Thạch.
Sau dòng Lâm Tế Liễu Quán, dưới sự ảnh hưởng của Phật giáo vùng Sài Gòn – Gia Ðịnh, ở Tây Ninh cũng đã phát triển dòng truyền thừa của phái Thiền, chi phái Lâm Tế, dòng đạo Bổn Nguơn.
Hoà thượng Minh Giảng quê ở làng Gia Lộc (Trảng Bàng), đến tổ đình Giác Lâm (thành phố Hồ Chí Minh) xuất gia cầu đạo với Hoà thượng Hải Tịnh nối đời thứ 38 dòng Lâm Tế Bổn Nguơn, sau trở về thành lập chùa Phước Lâm ở Trảng Bàng vào năm Giáp Thìn (1844) để hoằng pháp độ sanh.
Tiêu biểu, có vị Yết – ma Minh Ðạt – Trí Lượng thuộc đời thứ 38 dòng Lâm Tế Bổn Nguơn có công khai hoang mở đất và thành lập chùa Thiền Lâm vào khoảng năm Bính Ngọ (1846), nay thuộc phường 2, thành phố Tây Ninh. Ngài là vị danh tăng duy nhất ở Tây Ninh được Quốc sử quán triều Nguyễn ghi chép lại trong bộ sách Ðại Nam nhất thống chí cùng với những đạo hạnh của bậc chân tu, trước năm 1975 có một con đường mang tên “Yết Ma Lượng”, nay là đường Nguyễn Văn Cừ thuộc phường 2, thành phố Tây Ninh.
Hoà thượng Như Nhãn – Từ Phong đến quy y với sư Trí Lượng, một danh tăng khả kính đương thời. Sau ngài đến chùa Giác Viên (Thành phố Hồ Chí Minh) xin thọ giáo với Hoà thượng Minh Khiêm. Năm Ất Sửu (1925), Hoà thượng Từ Phong về Tây Ninh xây dựng ngôi chùa mới ở Gò Kén thuộc thôn Thái Hiệp Thạnh gần tỉnh lỵ Tây Ninh (vị trí này nay thuộc thị xã Hoà Thành) đặt tên là Thiền Lâm, đây cũng là ngôi chùa Phật giáo duy nhất tại thị xã Hoà Thành ngày nay.