Ông Toản cho biết, mỗi năm gia đình ông nuôi 3 lứa lợn, mỗi lứa cho khoảng 25 – 30 tấn.

Sau 5 năm gắn bó với nghề lái xe tải đường dài, ông Nguyễn Văn Toản (xóm Hạ Vụ 2, xã Vạn Phái, TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) đã quyết định về nhà chăn nuôi lợn. Dù không xây chuồng trại khép kín, nhưng đàn lợn của gia đình ông phát triển tốt, ít bị dịch bệnh. Đó là nhờ tuyệt chiêu “mắc màn” cho lợn.

Trước đây, ông Nguyễn Văn Toản (xóm Hạ Vụ 2, xã Vạn Phái, TP.Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) từng đi làm công nhân rồi chuyển sang lái xe tải đường dài. Đến năm 2010, vì muốn cuộc sống ổn định, ông Toản đã quyết định bỏ nghề lái xe và đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn.

Ban đầu, ông nuôi khoảng 50 con lợn sau đó phát triển dần theo từng năm. Có những thời kỳ cao điểm, gia đình ông nuôi với số lượng 900 con lợn thịt. Nhưng sau đó do giá lợn giảm, cộng với dịch bệnh bùng phát nên gia đình ông thu hẹp quy mô xuống chỉ còn 200 lợn thịt.

Tính từ đầu năm đến nay, gia đình ông Toản đã xuất chuồng khoảng trên 15 tấn lợn thịt. Hiện trong chuồng còn 1 đàn với trọng lượng khoảng 12 tấn.

Ông Toản cho biết, mỗi năm gia đình ông nuôi 3 lứa lợn, mỗi lứa cho khoảng 25 – 30 tấn. Với quy mô chăn nuôi như hiện nay, trung bình mỗi năm gia đình ông xuất bán từ 70 – 90 tấn lợn.

Ông Toản chia sẻ, để đạt hiệu quả cao trong chăn nuôi, người nông dân cần lưu ý lựa chọn con giống tốt, vệ sinh chuồng trại thường xuyên, lựa chọn loại thức ăn chăn nuôi đảm bảo chất lượng và tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi.

Theo đó, để phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi được tốt nhất, thông thường người chăn nuôi cần khử trùng 1 lần/tuần. Còn ở thời điểm có dịch bệnh thì cần khử trùng từ 2 – 3 lần/tuần bằng nước khử trùng chuyên dụng.

Ngoài ra, mỗi khi thời tiết thay đổi thất thường, người nuôi cần rắc vôi bột xung quanh khu vực chuồng trại cũng như tất cả các đường đi lối lại để giảm thiểu tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Đặc biệt, chuồng trại nuôi lợn của gia đình ông Toản khác so với nhiều hộ chăn nuôi khác. Đó là, ông Toản không xây chuồng lợn khép kín như những người khác, mà “mắc màn” cho lợn để tránh chuột bọ và ruồi muỗi vào khu vực chuồng trại gây bệnh cho lợn.

Hiện nay, khó khăn lớn nhất đối với người chăn nuôi nói chung chính là nguồn vốn. Nếu tính trung bình, để đầu tư nuôi một con lợn từ lúc vào chuồng đến khi xuất bán phải mất chi phí khoảng 6 triệu đồng. Do đó, nếu không chủ động được nguồn vốn thì rất khó có thể chăn nuôi.

Ngoài chăn nuôi lợn, gia đình ông Toản còn kết hợp chăn gà, vịt và ngan. Có những lúc cao điểm, gia đình ông chăn khoảng 5.000 con vịt. Nhưng đến thời điểm này do một số yếu tố khách quan nên gia đình ông đã tạm dừng chăn nuôi gà vịt để tập trung vào chăn nuôi lợn.

Theo ông Toản, năm nay mặc dù giá cám có tăng cao nhưng với giá lợn như hiện tại, nếu chăm sóc tốt và không bị dịch bệnh, gia đình ông dự kiến sẽ thu về khoảng 300 – 350 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí.

Ông Phạm Xuân Hưng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Phái cho biết: “Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Toản là một hộ sản xuất kinh doanh tiêu biểu trên địa bàn xã. Trong những năm vừa qua, hộ ông Toản đã giúp đỡ nhiều hộ gia đình trong xóm phát triển chăn nuôi, làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Nhiều năm nay, gia đình ông Toản được nhận khen thưởng là hộ sản xuất kinh doanh giỏi của UBND thị xã Phổ Yên. Vừa qua, Hội Nông dân xã đã lựa chọn gia đình ông Toản là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2019 – 2022 và đề nghị Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên tặng bằng khen.”.