Rời Hà Nội về vùng quê ở miền Trung, mang theo nhiều mơ mộng về cuộc sống dân dã, yên bình, tôi nhận ra thực tế khác xa tưởng tượng.

Thời gian qua, tôi có đọc những thông tin và nghe nói nhiều về xu hướng “bỏ phố về quê”. Chính tôi cũng từng trải qua những ham muốn tột cùng phải thể hiện bản thân và làm những gì mình thích mà không nghĩ đến tương lai lâu dài. Vì thế, tôi thấy cần chia sẻ một chút kinh nghiệm của bản thân để các bạn có cái nhìn chân thực nhất về vấn đề này.

Tôi sinh ra tại vùng đất nơi mà từ thở bé đã nghe người xung quanh nói về chuyện làm du lịch như thế nào, bán hàng và mời khách ra sao? Tôi hoàn toàn không có khái niệm về những công việc đồng áng của người làm nông nghiệp. Tôi đi học tại quê nhà cho đến hết cấp ba, sau đó lên Hà Nội học đại học và lập nghiệp. Thế nên, công việc đồng áng chưa bao giờ có trong ký ức của tôi.

Tôi làm việc trong mảng xây dựng, nên cũng có tiếp xúc với nhiều người ở các vùng miền khác nhau. Cuộc sống của một kỹ sư xây dựng khiến tôi quen dần với những cái nắng, cái gió của tự nhiên. Tôi không còn chỉ biết đến sách vở và những cuộc đi chơi cùng bạn bè ở cái tuổi mà người ta hay gọi là “ăn chưa no, lo chưa tới”.

Tôi cũng tiếp xúc và nói chuyện với nhiều người bạn cùng làm kỹ sư, nhưng họ đến từ những vùng nông thôn nên đã quen với việc vườn rau, ao cá và ruộng đồng. Họ kể về quãng thời gian tuổi thơ của mình. Khi ấy, tôi còn rất trẻ, nên hoàn toàn bị thu hút khi nghe những câu chuyện của họ về kỷ niệm với đất và cây, những ao cá mà hàng chiều họ đi câu và tắm ao. Tôi thấy cuộc sống thôn quê “sao mà thích đến thế”, và cũng ao ước sẽ có những trải nghiệm, muốn tận hưởng một cuộc sống như vậy.

Với suy nghĩ của tuổi trẻ, tôi quyết định xin công ty cho chuyển công tác về công trình ở một tỉnh miền Trung, thời gian dự kiến là ba năm. Khi cầm quyết định của công ty trên tay, tôi háo hức vì sắp được đi đến một vùng đất mới và có cơ hội trải nghiệm cảm giác “bỏ phố về quê” với cuộc sống dân dã và tràn ngập không khí của tự nhiên.

Tôi vẫn cứ mơ tưởng như vậy, cho đến khi sống ở đây được ba tháng. Tôi nhận thấy rằng, thực tế không giống như những gì tôi hằng mơ tưởng. Tôi nhận ra, khí hậu ở đây rất khắc nghiệt, cái nắng gay gắt của mùa hè và những cơn gió Lào bỏng rát làm cổ họng tôi khô khốc, mồ hôi không kịp chảy. Mùa mưa cũng không dễ chịu chút nào, nhưng trận mưa xối xả và cuốn trôi tất cả chỉ sau một đêm, bùn đất ngập đầy sân nhà. Đó là còn chưa kể những lúc mất điện, mất nước…

Sống ở đấy một thời gian, tôi dần nhận thấy những bất cập và thiếu thốn cơ bản – những thứ mà khi sống ở thành thị, tôi chỉ cần ra trước cửa là có thể mua được ngay. Dù rằng, cuộc sống ở nông thôn cho tôi cảm nhận sâu sắc tình làng nghĩa xóm, những người hàng xóm láng giềng đáng mến, sẵn sàng chia sẻ và giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn. Nhưng chừng ấy cũng không thể bù đắp lại được những thiếu thốn và khắc nghiệt của cuộc sống hằng ngày. Tôi nhận ra một thực tế rằng, “về quê” không phải là lựa chọn dành cho tôi.

Sau hai năm sống và làm việc ở vùng quê, tôi quyết định kết thúc sớm công việc tại đây và xin về Hà Nội. Thực ta, tôi không hối hận vì quyết định “bỏ phố về quê” mà còn thấy nó rất có giá trị vì giúp tôi trải nghiệm và nhận ra rằng cuộc sống thôn quê có thể đẹp và lý tưởng với góc nhìn của người này, nhưng lại hoàn toàn không phù hợp với người khác.

Điều cuối cùng mà tôi muốn gửi đến các bạn trẻ đang nung nấu ý định “bỏ phố về quê” đó là hãy trải nghiệm trước bằng cách thử sống ở đấy một thời gian trước khi đưa ra quyết định sau cùng cho tương lai của mình. Cuộc sống vốn là một hành trình, vậy hãy cứ trải nghiệm để nhận ra bản thân có thực sự phù hợp với nơi mình muốn sống hay không? Đừng chỉ mù quáng chạy theo trào lưu của người khác để rồi vỡ mộng và không còn đường lùi.