“Thế chừng nào mới định mua ô tô?” – Đây là câu hỏi mà anh Thành (30 tuổi, Hà Nội) nhận được nhiều nhất mỗi khi đi họp lớp.
Bước sang tuổi 30, anh Thành – quản lý một công ty truyền thông đã có nhà riêng, chuẩn bị lấy vợ, sự nghiệp ổn định với mức lương 8 chữ số. Là thế hệ đầu 9x, anh Thành đánh giá cuộc sống hiện tại đã khá thành công và đủ đầy. Nhưng bạn bè thì thấy anh vẫn thiếu, cụ thể là thiếu ô tô.
Người thì bảo anh sắp lấy vợ có con, không thể thiếu xe ô tô để di chuyển an toàn, tránh mưa nắng. Có xe cũng dễ đưa cả nhà đi du lịch, hoặc chỉ đơn giản là về quê thăm bố mẹ 2 bên. Người thi khuyên mua xe vì lái đi đâu cũng thấy “oách” hơn, nhất là khi đi gặp khách hàng bàn chuyện làm ăn. Nhìn chung lời khuyên nào cũng rất hợp lý.
Thực tế, anh Thành dư sức sắm và “nuôi” các dòng xe cỡ trên dưới 1 tỷ như Mazda 6, Toyota Camry, Hyundai SantaFe… Anh cũng từng nghĩ tới chuyện mua ô tô nhưng suy đi tính lại, anh vẫn chọn chung thủy với chiếc xe ga SH Mode suốt hơn 6 năm qua vì những lý do sau đây.
Nhà trong ngõ khó đỗ xe ô tô
Ngõ nhà anh Thành không quá hẹp, xe ô tô đi vào được. Nhưng trong ngõ từng có nhà được tổ dân phố mời lên uống nước chè vì đỗ ô tô trước cửa nhà hàng xóm, bít hết lối đi chung của mọi người. Giờ ai muốn đỗ xe thì sẽ phải gửi ở bãi cách ngõ khoảng 100m, ngày nắng còn đỡ chứ ngày mưa thì khỏi phải nói. Chưa kể việc quay đầu xe trong ngõ cũng rất bất tiện.
Còn với chiếc SH, xe gọn nên để ngay cửa nhà hoặc dắt thẳng vào trong nhà đều tiện. Hàng xóm có khi còn trông xe giúp anh luôn vì sợ để ngoài bị trộm viếng.
Không có chỗ đỗ xe ô tô khi đi làm
Chỗ làm của anh Thành nằm ở trung tâm Hà Nội nơi đất chật người đông, diện tích các bãi gửi xe ở khu vực rất khó đáp ứng lượng lớn nhu cầu của người dân. Đi xe máy còn dễ tìm được chỗ, chứ xe ô tô cồng kềnh thì chỉ cần đi làm muộn vài phút là hết suất đỗ.
Tắc đường không thể luồn lách
Mỗi khi đến giờ tan tầm, anh Thành từng nhiều lần chứng kiến những chiếc ô tô phải chật vật nhích từng milimet giữa đám đông. Trong khi những chiếc xe máy nhỏ gọn chỉ cần tìm một kẽ hở nhỏ là có thể lách qua đám đông, hoặc người ta sẽ lái xe máy vào ngõ nhỏ thay vì đâm đầu vào những con đường lớn chật cứng người qua lại. Nếu đổi lại là xe ô tô chui vào ngõ thì sẽ xảy ra 2 trường hợp: một là xe bị kẹt cứng vì ngõ quá hẹp, hai là ngõ đủ to để ô tô di chuyển được, nhưng sẽ được khuyến mãi thêm hàng loạt tiếng còi xe máy inh ỏi, tiếng người xung quanh trách móc “xe ô tô thì chui vào ngõ làm gì!”.
Công ty anh Thành cách nhà 10km, bình thường đi SH, vào giờ tan tầm dù đường đông cũng chỉ mất cỡ 40 phút là anh về tới nhà. Nếu giờ đi bằng ô tô, chắc anh sẽ đổi tên là Thành “Lọ Lem” vì dễ nửa đêm mới về đến nơi.
Đi ô tô khó ăn hàng vỉa hè, khó đi cafe trong ngõ
Chuyện đi ô tô và ẩm thực tưởng chừng không liên quan gì đến nhau, nhưng trong trường hợp các món ngon Hà thành phần lớn nằm ở vỉa hè hoặc trong ngõ thì đây rõ ràng là một yếu tố quan trọng mà anh Thành phải cân nhắc.
Đi SH thì rất tiện, bởi xe máy thường có thể đỗ ngay cạnh quán ăn. Xe nhỏ đi cafe trong ngõ cũng dễ hơn, nhất là với những quán cafe “núp hẻm”, phải vòng qua vài ngõ ngách mới tìm đến được. Xe ô tô, dù là loại chỉ 4-5 chỗ cũng phải chịu thua xe máy trong khoản này. Tất nhiên với ai thích đi cafe trong trung tâm thương mại, đi ăn ở các nhà hàng lớn có lối vào và bãi đỗ xe rộng rãi thì đây không phải là vấn đề lớn.
Tốn nhiều chi phí mỗi tháng cho ô tô
Dù thừa sức mua và “nuôi” ô tô nhưng anh Thành cũng phải cân nhắc về bài toán chi tiêu, nhất là khi anh chuẩn bị lập gia đình, và năm 2023 là thời điểm Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng từ suy thoái kinh tế toàn cầu.
Theo anh Thành tìm hiểu, chi phí để nuôi 1 chiếc xe ô tô dao động trung bình từ 3-4 triệu đồng/tháng, với những dòng xe cao cấp thì có thể lên đến 10-15 triệu đồng/tháng. Nghĩa là một năm anh sẽ mất vài chục triệu cho tới cả trăm triệu đồng. Riêng tiền đổ xăng một lần đã lên đến cả triệu bạc, kể cả với những dòng xe nhỏ như Kia Morning (35L). Nếu xe bị hư hỏng, chi phí sửa và thay phụ tùng còn “ngốn” nhiều tiền hơn nữa.
Trong khi đó, chi phí “nuôi” chiếc SH của anh chỉ khoảng hơn 7 triệu đồng/năm, trong đó đã bao gồm tiền xăng, phí bảo dưỡng, thay phụ tùng.
Bảng chi phí “nuôi” xe tay ga SH của anh Thành
Đổ xăng: Nếu đều đặn 5 ngày đi làm/tuần, cả đi cả về 20km thì đổ xăng 1 lần/tuần, 100.000 đồng/lần đổ.
Nước mát: Một chai nước mát tầm hơn 100.000 đồng (mua tại cửa hàng Honda), đổ 1 năm vẫn chưa thấy hết.
Bảo dưỡng:
– Thay lọc gió định kỳ, thay dầu máy sau mỗi 1.500-2.000 km (100.000 đồng/chai, chứ không thay dầu thùng 90k/lần thay), tới lần thay dầu máy thứ ba thì thay dầu láp (40.000 đồng/tuýp)
– Tầm nửa năm anh Thành sẽ mang xe đi kiểm tra định kỳ, chi phí bảo dưỡng chỉ dưới 1 củ. Trộm vía anh giữ xe kỹ nên không phải bảo dưỡng nhiều.
Thay má phanh: Đây là món phát sinh nhiều nhất (hơn 300.000 đồng/bộ). Anh thường mua qua chú sửa xe đầu ngõ nên có mối tốt. Thường khoảng 6-7 tháng anh sẽ thay một lần.
Bơm xe: Thỉnh thoảng anh Thành sẽ “mua không khí” với giá chỉ bằng cốc trà đá – 5.000 đồng cho hai lốp xe.
Rửa xe: 2 tuần rửa một lần hoặc sớm hơn tùy thời tiết, giá dao động từ 20-30.000 đồng/lần.
Nhìn chung tính đến thời điểm hiện tại, anh Thành nhận thấy việc chưa mua ô tô mà vẫn đi xe máy là hợp lý cả về mặt kinh tế lẫn những phương diện khác. Có thể trong tương lai khi nhà có thêm thành viên, anh sẽ cân nhắc mua ô tô để chăm sóc vợ con cũng như phục vụ công việc tiện lợi hơn. Dù sao trên thị trường Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều mẫu ô tô giá hợp lý, mua muộn có khi còn tiết kiệm dc 1 khoản kha khá.
- Những lỗi quay đầu xe ôtô mà các tài xế thường xuyên mắc phải
- Chính sách mới về tiền lương, đất đai, đăng kiểm có hiệu lực từ tháng 4
- Chỉ trong 1 ngày, Mê Linh (Hà Nội) thu về gần 187 tỷ đồng từ đấu giá đất, giá trúng cao nhất gần 71 triệu/m2
- Đoạn quốc lộ được đề xuất chi 19.000 tỷ để mở rộng gấp 10 lần, kết nối với thành phố tương lai phía tây Hà Nội
- 4 việc nhà "cỏn con" tàn phá tận xương tủy mẹ sau sinh: Ai chê "lười" cũng mặc kệ, các chị dứt khoát không được động tay