Sau hiệu quả thu được từ 4 hồ cá ban đầu, anh Hồng bắt đầu tự ương giống cá kiểng và mở rộng diện tích nuôi.
Vốn làm nghề thợ hồ, nhưng anh Phan Văn Hồng (xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) lại có niềm đam mê loài cá cảnh đủ màu sắc và quyết định lập trại nuôi cá bảy màu. Cách nuôi cá cảnh của anh cũng rất khác biệt, nuôi cá trong bể xi măng mà vẫn khỏe, đẹp lại đẻ sòn sòn đem lại thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm.
Trên khu đất ruộng rộng 1.000m2, anh Phan Văn Hồng (xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) đang nuôi cá bảy màu trong 50 hồ xi măng. Số lượng hồ cá chưa nhiều, nhưng cũng đã giúp anh có thu nhập khoảng 300 triệu đồng mỗi năm.
Gắn bó với nghề làm thợ hồ từ nhiều năm, cách đây 4 năm, qua tìm hiểu mô hình nuôi cá kiểng của người bà con tại thành phố Mỹ Tho cho hiệu quả kinh tế cao, chi phí nuôi ít và rủi ro thấp nên anh Hồng bắt đầu tập tành với nghề nuôi cá kiểng. Ban đầu, anh xây dựng 04 hồ xi măng có diện tích 10m2/hồ và mua con giống về nuôi. Cá kiểng giống sau khi mua về anh nuôi khoảng 06 tháng là có thể bán cho các cửa hàng với giá trung bình từ 4.000 – 5.000/cặp. Anh Hồng cho biết, nuôi cá kiểng không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải thường xuyên theo dõi tình trạng phát triển của cá. Đặc biệt là phải thường xuyên thay nước, vệ sinh hồ để hạn chế mầm bệnh phát sinh trên cá.
Anh Hồng chia sẻ, cá bảy màu là cách gọi dân dã, nhiều người hay gọi là guppy hay milions fish. Loại cá cảnh này dễ nuôi, đẹp nên được nuôi phổ biến tại rất nhiều nước trên thế giới.
Sau hiệu quả thu được từ 4 hồ cá ban đầu, anh Hồng bắt đầu tự ương giống cá kiểng và mở rộng diện tích nuôi. Hiện tại, anh Hồng đã đầu tư xây dựng được 50 hồ xi măng nuôi cá kiểng. Anh chủ yếu nuôi các loại cá bảy màu có giá trung bình được nhiều người ưa chuộng. Mỗi tháng anh bán ra thị trường 5.000 cặp cá kiểng, có nguồn thu nhập trung bình 20 – 25 triệu đồng.
Anh Hồng chia sẻ, sau mỗi đợt bán cá, anh vệ sinh hồ thật sạch, phơi khô sau đó mới thả nuôi đợt tiếp theo. Việc nuôi cá kiểng khá nhàn, nhưng người nuôi phải thường xuyên theo dõi sự phát triển của cá tại các hồ nuôi nhằm phát hiện các loại bệnh thường gặp và điều trị kịp thời.
“Hồ xi măng cần được xử lý kỹ trước khi nuôi, để tránh cá bị nhiễm độc do xi măng nhả ra làm chết cá. Với bể xi măng mới xây, nên ngâm nước kết hợp thay nước hàng ngày. Đến khi nước hết mùi xi măng mới thả cá giống nuôi”, anh Hồng chia sẻ.
Anh Hồng nhận định, kỹ thuật nuôi cá bảy màu trong hồ xi măng không khó. Để thành công với nuôi cá bảy màu trong hồ xi măng đòi hỏi người nuôi phải thường xuyên để ý sự phát triển của cá. Đặc biệt, phải thường xuyên thay nước trong hồ cho cá để hạn chế tình trạng dịch bệnh phát sinh.
Trong năm, giá cá bảy màu 4.000 – 6.000 đồng/cặp. Mỗi tháng, anh Hồng bán ra khoảng 5.000 cặp cá bảy màu, thu về 25 – 30 triệu đồng. Hiện nay, trại nuôi cá giống của anh Hồng là điểm tham quan học hỏi của nhiều nông dân, thanh niên trong xã.
Anh cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để anh em hội viên nông dân cùng nghiên cứu thực hiện mô hình, góp phần phát triển kinh tế gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, anh đang có kế hoạch mở rộng thêm quy mô sản xuất và phát triển nghề nuôi cá kiểng bài bản hơn, đây cũng là động lực cho nhiều hội viên nông dân trong xã có thêm niềm tin để học tập và lập nghiệp.
Theo anh Hồng, hiện trên thị trường, cá bảy màu có rất nhiều loại. Dân chơi cá cảnh chia giống cá cảnh theo các chủng loại khác nhau dựa theo màu sắc, tập tính và cả hình dáng của vây cá. Hiện, có 2 giống cá bảy màu được quan tâm nhiều nhất tại Việt Nam, đó chính là cá bảy màu Nhật Bản và cá 7 màu Thái. Ngoài ra, cá bảy màu rồng cũng là một trong những giống cá được săn đón nhiều hiện nay./.