Một bài toán khó cả về tình cảm và tài chính thế này nên được giải quyết như thế nào cho hợp lý nhất?
Câu chuyện tài chính chưa bao giờ hết hot trong các gia đình. Đặc biệt, nếu số tiền này còn được cặp vợ chồng sử dụng để mua nhà hay các tài sản có giá trị lớn chung với nhau.
Và mới đây nhất, câu hỏi về tài sản mà cụ thể là sổ hồng sau khi đứng tên chung nếu ly hôn sẽ được xử lý như thế nào của chị NL cũng đã gây được sự quan tâm không nhỏ.
Cụ thể chị NL có câu hỏi: “Mọi người ơi cho em hỏi em có mua căn nhà trước khi cưới chồng. Hồi đó em với chồng em (lúc đó chưa cưới) sống chung 5 năm.
Chồng em đi làm về 1 tháng đưa em 9 triệu em cũng chi tiêu sinh hoạt 2 bên. Ba ảnh mổ em cũng đưa 150 triệu và vừa rồi anh gãy chân em cũng đưa 50 triệu lo viện phí nhưng giờ họ nói chồng em đi làm đưa em giữ mà nhà đất em đứng tên hết nên nói ra nói vào.
Đến bây giờ chồng em đòi sửa lại sổ hồng đứng tên chung thì cho em hỏi sau này ly hôn có phải chia ra không ạ?”.
Câu hỏi của chị NL được đăng tải trên một diễn đàn kín. Ảnh chụp màn hình.
Câu hỏi của chị NL được rất nhiều người quan tâm và có chung thắc mắc tương tự. Bởi vấn đề tài chính dù là vợ chồng cũng cần có sự khéo léo và rạch ròi để tránh xảy ra các rủi ro ảnh hưởng tới mối quan hệ.
Và để giải đáp cho câu hỏi của chị NL, chúng tôi đã liên hệ với Luật sư Đặng Văn Cường hiện đang là Trưởng văn Phòng Luật sư Chính pháp – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội để đưa ra ý kiến về mặt pháp luật trong trường hợp này.
Theo luật sư Đặng Văn Cường giải đáp, trong trường hợp của chị NL sẽ cần xử lý và căn cứ vào những điều sau đây:
Điều 43: Tài sản riêng của vợ, chồng
Ảnh minh họa.
1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn, tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân, tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này, tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.”
Điều 46: Nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung
Ảnh minh họa.
1. Việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung được thực hiện theo thỏa thuận của vợ chồng.
2. Tài sản được nhập vào tài sản chung mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì thỏa thuận phải bảo đảm hình thức đó.
3. Nghĩa vụ liên quan đến tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung được thực hiện bằng tài sản chung, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.
Theo quy định của pháp luật về đất đai thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ai thì mặc nhiên sẽ được xác định người đó là chủ sử dụng đất.
Bởi vậy nếu trong trường hợp bạn gái này đồng ý để chồng mình cùng đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì có nghĩa là bạn đó đã đồng ý nhập tài sản riêng thành tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại điều 46 luật hôn nhân và gia đình, thủ tục được thực hiện theo quy định của luật đất đai.
Sau khi chồng bạn này có tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì ngôi nhà và thửa đất này sẽ được xác định là tài sản chung của vợ chồng, nếu ly hôn thì tài sản này sẽ được chia đôi theo quy định pháp luật.
Như vậy, dù căn nhà là tài sản riêng được mua trước hôn nhân nhưng nếu chị NL đồng ý cho chồng mình cùng đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì trường hợp nếu ly hôn tài sản sẽ được chia đôi theo pháp luật.
Dựa trên những thông tin mà luật sư tư vấn trên đây, chị NL nên suy nghĩ kỹ và đưa ra quyết định của mình sao cho đúng đắn và hợp lý nhất.