Gia đình con gái cũng chẳng giàu có gì, thế là cụ Thơm lại gắng chắt bóp, lo một phần tiền chạy thận, chữa trị cho chị Nga.

Mấy chục năm nay, người dân tại hẻm số 499 đường Lê Quang Định (phường 1, quận Gò Vấp, TP.HCM) đã không còn lạ lẫm với hình ảnh một cụ bà tuổi ngoài 80 với vóc dáng nhỏ bé, tấm lưng còng ngày ngày vẫn đẩy xe hàng rong kiếm tiền mưu sinh.

Những năm gần đây, hầu hết số tiền kiếm được cụ đều dành cho con gái đi chạy thận. Cuộc sống cụ đã nghèo càng thêm khốn khó.

Cụ bà tên là Trần Thị Thơm năm nay tuổi đã 81, vốn sinh sống ở Sài Gòn từ nhỏ. Chồng mất sớm, gần 40 năm nay, cụ bà gắn bó với nghề buôn thúng bán bưng nuôi các con.

Lấy chồng sớm, cụ Thơm sinh được một trai, một gái. “Nếp tẻ” đủ cả, dù các con đã lớn nhưng vì hoàn cảnh nghèo khó nên không giúp được nhiều cho bà lúc tuổi xế chiều. Trong ảnh là hai người con của cụ Thơm.

Vì thế, ở tuổi ngoài 80, bà cụ vẫn bươn chải mưu sinh, lo cho chính cuộc sống của mình. “Sáng tôi dậy từ 4h nấu xôi, bán đến gần 10h thì về nghỉ trưa, chiều lại đẩy xe bán trái cây đến tối khuya mới về. Tôi bán cũng phải gần 40 năm nay rồi”, cụ Thơm móm mém nói.

Trước kia, việc bán buôn giúp cụ đủ sống. Nhưng mấy năm nay cô con gái út tên Nga (55 tuổi) bị bệnh suy thận, suy tim. Gia đình con gái cũng chẳng giàu có gì, thế là cụ Thơm lại gắng chắt bóp, lo một phần tiền chạy thận, chữa trị cho chị Nga. Trong ảnh, chị Nga đang phụ mẹ bán xôi.

Chị Nga tâm sự, số tiền dành dụm bấy lâu nay không đủ cho việc chữa trị, chị phải vay mượn bà con, bạn bè khắp nơi. Dù ở phường có hỗ trợ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, nhưng có một số loại thuốc không nằm trong danh mục được bảo hiểm, chị phải chi trả mỗi lần cho chi phí điều trị hơn 4.800.000 đồng. “Tính ra mỗi tháng tôi mất khoảng 10 triệu tiền thuốc thang. Bốn tuần nay tôi chưa chạy thận vì bác sĩ bảo sẽ ảnh hưởng đến bệnh tim của tôi”, chị Nga nói.

Mỗi tháng, số tiền bán xôi, bán trái cây được dăm ba triệu, bà Thơm giữ một xíu cho tuổi già, phần còn lại lo hết cho con gái. Những hôm gánh xôi ế ẩm, bà gói cẩn thận trong bọc mang về, hy vọng bà con trong xóm sẽ mua ủng hộ.

Chừng 10h sáng, bà Thơm dọn hàng về căn nhà nhỏ cách chỗ bán khoảng 200m. “Đoạn đường ngắn nhưng tôi đi phải mất 15 phút vì chân đau, đi lại khó khăn”, cụ bà cho biết.

Từ ngày con bệnh, mọi việc lớn nhỏ đều đến tay cụ. Dáng lưng còng lầm lũi đẩy xe của cụ Thơm đã là hình ảnh quen thuộc trong con xóm ở hẻm 499 Lê Quang Định (quận Gò Vấp).

Thương mẹ già tảo tần, mỗi trưa chị Nga đều nhà chồng (cách đó khoảng 2km) sang phụ cụ dọn hàng, chuẩn bị trái cây. Chị sinh được 3 người con trai. Hai đứa con lớn có gia đình rồi lập nghiệp tận Cà Mau. Còn đứa con trai út đang là sinh viên năm cuối đại học. “Chồng tôi làm thợ sơn, họa hoằn mới có việc. Khi nào khoe thì tôi đi bán hủ tiếu dạo. Nhưng cả tháng nay yếu quá nên chỉ ở nhà”, chị Nga chia sẻ.

Còn người con trai cả của cụ Thơm là ông Nguyễn Thanh Minh (62 tuổi), ở cùng với mẹ. Ông Minh làm nghề thu gom ve chai đồng nát phế liệu cũng không đủ sống. “Nó lo cho gia đình còn không đủ thì lấy đâu dư dả để nuôi tôi”, bà cụ cười hiền.

Cụ Thơm cùng với con trai cả và cháu nội sống trong căn nhà chật hẹp với diện tích chỉ 7m2. Buổi trưa, bên trong căn nhà hơi nắng tỏa hầm hập.

Vì nhà nhỏ nên không gian sinh hoạt chính của cả nhà chủ yếu ở bên ngoài.

Cụ Thơm tự tay nấu nướng ăn riêng để không phụ thuộc con cái.

Cơm nước xong xuôi đâu đó, bà cụ nghỉ ngơi ở cả buổi trưa ở ngay ngoài hẻm, bên cạnh chiếc xe đẩy, xoong nồi… “Trước giờ tôi vẫn ngủ ngoài này cho mát, chứ vô trong nhà chật chội lắm”, cụ nói.

Khoảng 2h trưa, cụ lại quẩy xe đẩy đi bán trái cây, trứng cút luộc đến 9h tối mới về nhà. Nói về công việc của mình, cụ cho biết: “Cũng may tôi chỉ bị chân đau, còn lại vẫn khỏe khoắn, minh mẫn nên ráng sức bán được đến chừng nào hay chừng đó thôi”.

Tối về, người mẹ già lại lấy giường xếp ra ngủ ngoài đường, nhường căn nhà cho các con ngủ. Cụ ngủ như vậy đã nhiều năm nay vì nhà quá chật. Trời nắng thì không sao, những lúc đang ngủ thì mưa, cụ mới vào nhà nhưng gần như thức đến sáng. “Vì có chỗ đâu mà nằm, chủ yếu ngồi chờ hết mưa thôi”, cụ giải thích.

“Phần tôi vẫn tiếp tục với nghề ‘buôn gánh bán bưng’ mà biết bao nhiêu năm qua đã làm để nuôi sống gia đình. Đối với tôi, còn sống khỏe là còn làm được. Chỉ mong ông trời cho khỏe khoắn là vui”, cụ Thơm tâm sự. Còn chị Nga thì mong mau hết bệnh, để còn sức mà chăm lo cho mẹ già và lo cho cậu con út ăn học đến nơi đến chốn.